Ukraine phủ nhận tin tên lửa Nga phá hủy hệ thống Patriot

chiến sự Nga - Ukraine
17:04 - 17/05/2023
Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ tại sân bay Warsaw-Radom, Ba Lan. Ảnh: EPA
Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ tại sân bay Warsaw-Radom, Ba Lan. Ảnh: EPA
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 17/5, Ukraine phủ nhận thông tin rằng một tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga đã phá hủy hệ thống tên lửa đất đối không Patriot mà Mỹ cung cấp trong một cuộc không kích vào thủ đô Kiev.

“Tôi muốn nói rằng: Đừng lo lắng về số phận của Patriot”, người phát ngôn Lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat nói với truyền hình Ukraine, theo Reuters.

Quan chức này cũng loại trừ khả năng tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga hạ gục hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. “Việc phá hủy hệ thống (Patriot) bằng một số loại tên lửa như Kinzhal là không thể. Mọi thứ họ nói đều có thể chỉ là hoạt động tuyên truyền”, ông nói.

Giới chức Nga hiện chưa phản hồi về bình luận này. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/5 cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng một cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa Kinzhal đã phá hủy hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.

Ukraine được cho là đang sở hữu 2 hệ thống Patriot. Ảnh: Reuters

Ukraine được cho là đang sở hữu 2 hệ thống Patriot. Ảnh: Reuters

CNN dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết hệ thống này có khả năng bị hư hại do cuộc tấn công của Nga, nhưng dường như không bị phá hủy. Theo đó, Washington đang đánh giá mức độ thiệt hại để xác định xem có thể sửa chữa hệ thống Patriot tại Ukraine được hay phải rút khí tài này về.

Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, bao gồm khả năng chống máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Hệ thống hoàn chỉnh của nó bao gồm 6 thành phần chính là máy phát điện, bộ radar, trạm điều khiển, anten, trạm phóng và tên lửa đánh chặn. Các thành phần này sẽ hoạt động để phóng một tên lửa và dẫn đường để nó tới mục tiêu.

Theo CNN, Ukraine đang sở hữu 2 hệ thống Patriot, một do Mỹ và một do Đức và Hà Lan tài trợ. Hiện không xác định được hệ thống nào bị hư hại, nhưng việc ngừng sử dụng khí tài này được cho là sẽ ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ trên không của Ukraine. Nếu hệ thống Patriot bị thiệt hại lớn đối với một phần hoặc đối với nhiều thành phần, Ukraine sẽ phải ngừng hệ thống và chuyển nó ra khỏi đất nước để sửa chữa.

Các quan chức Mỹ tin rằng, quân đội Nga có thể thu được các tín hiệu phát ra từ Patriot, cho phép họ có thể dùng các tên lửa siêu thanh để nhắm mục tiêu vào khí tài này. Không giống như các hệ thống phòng không tầm ngắn – vốn cơ động và khó bị nhắm mục tiêu, hệ thống Patriot thường lớn và cố định trên mặt đất, giúp các lực lượng Nga có thể tập trung đánh trúng vị trí.

Cũng trong ngày 16/5, Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc Nga đã bác bỏ thông tin này, cho rằng Kiev phóng đại về số lượng tên lửa bị đánh chặn. Moscow cũng khẳng định rất khó có khả năng để Ukraine bắn hạ được tên lửa Kinzhal. Không rõ Ukraine đã sử dụng loại vũ khí phương Tây nào để bắn hạ tên lửa. Lầu Năm Góc chưa có bình luận gì về thông tin này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.