Vẫn còn 6 dự án năng lượng tái tạo chưa gửi hồ sơ đàm phán giá với EVN

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
18:37 - 06/09/2023
Ảnh minh họa: Bộ Công Thương.
Ảnh minh họa: Bộ Công Thương.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 147 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng đối với vấn đề đàm phán giá điện các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

85 dự án năng lượng tái tạo đang bị chậm vận hành

Theo báo cáo số 147 ngày 5/9, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết ngày 25/8/2023, đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 4.449,8MW (chiếm 94% số dự án) đã nộp hồ sơ đến EVN.

Như vậy, hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW (chiếm 6%) chưa gửi hồ sơ đàm phán với EVN, mặc dù đã đôn đốc nhiều lần.

Trong số 79 dự án đã gửi hồ sơ, có 68 dự án đã thỏa thuận giá điện với EVN. Trong đó, 67 dự án đồng ý giá tạm bằng 50% khung giá phát điện, tức 754-908 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió, để làm cơ sở ký hợp đồng mua bán điện, vận hành thương mại.

Đã có 61 dự án đã được EVN và chủ đầu tư thống nhất giá tạm, trình lên Bộ Công Thương và có 58 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 3.181 MW đã được Bộ phê duyệt giá tạm tính. Trong số 61 dự án đã thống nhất giá tạm, có 43 dự án đã và đang trong giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên đến nay mới có 20 dự án khác đủ điều kiện vận hành thương mại (COD), tức là hệ thống có thêm 1.171,72 MW.

Số dự án phát điện lên lưới mới chiếm 25% tổng số dự án không kịp vận hành để hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, phải đàm phán giá với EVN theo khung giá Bộ Công Thương ban hành.

Về việc cấp giấy phép hoạt động điện lực - điều kiện cần để dự án được thử nghiệm, vận hành, Bộ Công Thương đã cấp cho 29/85 dự án chuyển tiếp. Trong đó, 20 dự án được cấp giấy phép toàn bộ dự án, 9 dự án được cấp giấy phép một phần dự án, 11 dự án đã nộp hồ sơ và đang được Bộ Công Thương khẩn trương rà soát kiểm tra để cấp giấy phép, 45 dự án chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

21 dự án có mức giá điện thấp hơn khung giá

Về việc thỏa thuận giá điện chính thức, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở hồ sơ các dự án chuyển tiếp và phương pháp quy định tại Thông tư 57/2020/TT-BCT, có 51 dự án đã được Công ty Mua bán điện rà soát, đàm phán, tính toán sơ bộ giá điện ở mức tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính tối đa là 12% (chưa xem xét loại bỏ các thành phần chi phí không hợp lý, hợp lệ trong tổng mức đầu tư) tương tự như các dự án nhà máy điện truyền thống.

Theo đó, có tổng cộng 21/51 dự án có mức giá điện được tính toán thấp hơn khung giá đã được ban hành tại Quyết định 21 của Bộ Công Thương.

Đối với việc xây dựng Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định về phương pháp xác định khung giá phát điện, Bộ Công Thương cho hay đã nhận được 30 văn bản góp ý đối với dự thảo Thông tư. Phần lớn ý kiến thống nhất đối với nội dung dự thảo Thông tư.

Với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương đã tiếp thu sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Thông tư trước khi ban hành chính thức.

Về khung giá phát điện dự án chuyển tiếp tại Quyết định 21/QĐ-BCT ban hành tháng 1/2023, căn cứ quy định tại Thông tư số 15/2022, Bộ Công Thương cho biết đã thẩm định khung giá phát điện các dự án chuyển tiếp do EVN trình.

Trong đó, đối với số liệu về suất đầu tư, Bộ Công Thương đã xem xét mức giảm suất đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn 2018-2021 (căn cứ số liệu tại báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế - IRENA).

Cụ thể, suất đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới giai đoạn 2018-2021 giảm bình quân 11%/năm, suất đầu tư dự án điện gió trên bờ nối lưới giảm bình quân 6,3%/năm.

Kết quả khung giá phát điện tại Quyết định số 21/QĐ-BCT giảm bình quân 7,3%/năm đối với loại hình điện mặt trời mặt đất; Giảm 4,2%/năm đối với loại hình điện mặt trời nổi so với giá FIT 2 (ban hành năm 2020); Giảm bình quân 4,19%/năm đối với loại hình điện gió trong đất liền; Giảm 4,3%/năm đối với loại hình điện gió trên biển so với giá FIT 2 (ban hành năm 2018).

“Quá trình thẩm định, Bộ Công Thương đã thực hiện lấy kiến Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và họp Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá”, Bộ Công Thương cho biết.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc ban hành Quyết định 21/2022 và Thông tư số 15/2022 là đúng thẩm quyền quy định tại Luật Điện lực, Luật giá và các Nghị định hướng dẫn. Khung giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được EVN tính toán và Bộ Công Thương thẩm định, ban hành tại Quyết định số 21/2022 là đúng phương pháp tại Thông tư số 15, có tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để rà soát các nội dung về khung giá cho các dự án chuyển tiếp và kịp thời chỉnh sửa bổ sung nếu phát hiện có nội dung vướng mắc, bất cập.

Tin liên quan

Đọc tiếp