Giao dịch sàn HoSE phiên 28/2. |
VN-Index mở cửa phiên 28/2 với sắc xanh nhưng chỉ số giằng co suốt phiên sáng do áp lực bán ở vùng giá cao. Nhiều nhà đầu tư lo lắng thị trường sẽ quay đầu nhưng bất ngờ là đến đầu phiên chiều, bên mua đã thắng thế, nhanh chóng đưa VN-Index vượt mốc 1.250 điểm. Kết phiên, chỉ số dừng ở mốc 1.254,55 điểm, tăng hơn 17 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index giảm nhẹ trong khi UPCoM tăng 0,14 điểm.
Thanh khoản thị trường không có nhiều đột phá nhưng vẫn giữ ở mức cao, với gần 23.500 tỷ đồng được khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.200 tỷ đồng và mua ròng mạnh hơn hai phiên trước, đạt giá trị 221 tỷ đồng trên sàn HoSE.
HPG tiếp tục là cái tên thu hút dòng tiền nước ngoài nhất, giá trị mua ròng đạt 130 tỷ đồng. Phiên hôm qua, cổ phiếu của Hòa Phát được khối ngoại mua ròng tới hơn 450 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có SSI +55 tỷ đồng, TPB 43 tỷ đồng, PVD và VPB 38 tỷ đồng; MSB, STB và KBC trên 30 tỷ đồng; BAF, NVL, VCB, PDR trên 20 tỷ đồng…
Chiều ngược lại, mã bị bán ròng mạnh nhất là EVF với giá trị 69 tỷ đồng, kế đến là CTG 37 tỷ đồng, VHC 34 tỷ đồng, GEX 29 tỷ đồng, MSN 27 tỷ đồng; GAS, VHM, PAN, BCM trên 20 tỷ đồng…
Thị trường bứt phá nhờ công lớn của “anh cả” VCB. Đã rất lâu, mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường này mới “nở sắc tím”. Với việc tăng trần, VCB vươn lên mức giá 97.400 đồng, tăng 21% so với cuối tháng 12/2023.
VCB thu hút sự quan tâm ngay sau khi Vietcombank chốt phương án dùng gần 21.700 tỷ lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần được trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến.
Trong năm 2023, Vietcombank đã phát hành được 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020.
Bên cạnh VCB, một số bluechip khác cũng hỗ trợ thị trường, như VRE +5,3%, TPB +4,4%, VPB +2,8%, SAB +2,5%, STB +2,1%, HDB +2,2%, BID +1,7%... Chiều giảm trong nhóm VN30 chỉ có CTG và VJC với mức giảm không đáng kể.
Với sự tích cực của VCB và một số mã trong VN30 như trên, nhóm ngân hàng ghi nhận vốn hóa tăng mạnh nhất. Tuy nhiên không phải tất cả các thành viên trong nhóm đều đồng thuận. Ngoài CTG còn có BAB, PGB, SGB cũng giảm giá. SHB và một số mã nhỏ đứng tham chiếu.
Nhóm dầu khí thu hút dòng tiền với một số mã có mức thanh khoản đột biến so với trung bình, gồm PVD tăng trần, khớp lệnh hơn 22 triệu đơn vị; BSR tăng 3,4%, khớp lệnh 13,6 triệu đơn vị; PVS tăng 1,9%, khớp lệnh 12,5 triệu đơn vị, PVC tăng 3,4%, khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị…
Nhóm xây dựng và bất động sản phân hóa rõ ràng hơn. Chiều tăng ngoài VRE còn có VHM, VIC, KBC, PC1, TIG, REE, HUT, HDG, BCM, IJC, SJS, TCD… Ngược lại, chiều giảm ghi nhận ở DIG, NVL, PDR, CEO, CII, VCG, VPI, HHV, DXG, CTD, NLG, TCH, BCG…
Diễn biến phân hóa tương tự tại nhóm chứng khoán. VND, VCI, SHS, BSI, HBS, TVC, TVB… ở chiều giảm giá. SSI, VIX, HCM, VDS, TVS, ORS, IVS… ở chiều ngược lại. Tuy nhiên đa số các mã giao dịch trong biên độ hẹp.
Tại nhóm thép, HPG dù không giữ được sức hút như phiên hôm qua nhưng vẫn tăng 0,8% lên mức giá 30.600 đồng/cp. HSG và NKG đều tăng giá nhẹ.
Một số cổ phiếu có tín hiệu được dòng tiền quan tâm khác là BAF +6,4%, khớp lệnh 7,4 triệu đơn vị; GEX +2,5%, khớp lệnh 33,2 triệu đơn vị; TTF +4,2%, khớp lệnh 7,8 triệu đơn vị...