Tường An đang chuẩn bị cho kế hoạch sát nhập vào công ty mẹ Kido |
TAC vừa công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 vào ngày 18/1 tới đây. Thông tin đáng chú ý là Công ty này sẽ trình cổ đông phương án hủy đăng ký công ty đại chúng, hủy đăng ký niêm yết; hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2021 và phát hành ESOP năm 2021.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh TAC chuẩn bị sát nhập vào Tập đoàn Kido (KDC) theo kế hoạch từ năm 2020. Định hướng phát triển của Kido thời gian tới là tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, theo TAC, hiện các cổ đông lớn đã nắm giữ 31,67 triệu cổ phiếu, tương ứng 93,49% vốn điều lệ của Công ty (theo danh sách cổ đông chốt ngày 24/12/2021 do VSD cung cấp). Như vậy, TAC không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.
TAC cho rằng, phương án hủy công ty đại chúng và hủy niêm yết là phù hợp với tình hình thực tế của Công ty. Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, Tập đoàn Kido cam kết sẽ thực hiện mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu TAC mà các cổ đông còn lại đang nắm giữ, tương ứng khoảng 3,91 cp. Giá thực hiện mua lại theo giá thỏa thuận giữa bên bán và bên mua tại thời điểm giao dịch. Hiện TAC đang ở lịch sử với 73.000 đồng/cp, tăng 46% thị giá so với đầu năm.
Ngay sau khi TAC hoàn tất thủ tục hủy niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, các cổ đông có nhu cầu có thể chuyển nhượng cho Kido.
Cổ phiếu TAC đang có chiều hướng tăng về đỉnh lịch sử. (Nguồn: TradingView) |
Dầu Tường An sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu ăn, bơ thực vật. Ý định sát nhập vào công ty mẹ - Tập đoàn Kido đã được TAC công bố từ 2020, trong Đại hội cổ đông thường niên. Tuy nhiên lúc này, Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimiex - MCK: VOC) cổ đông có vốn nhà nước vẫn đang nắm 26,55% cổ phần tại Tường An nên nội dung sáp nhập chưa thể đưa ra xin ý kiến cổ đông tại đại hội.
Phía Kido có kế hoạch hợp nhất các đơn vị thành viên gồm Kido Foods, Vocarimex và Dầu thực vật Tường An, Kido Nhà Bè với mục tiêu tạo ra sức mạnh tổng thể, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí logistics và tăng tính thanh khoản của cổ phiếu. Năm 2020, Kido đã hoàn tất hợp nhất Kido Foods, còn với Tường An thì phải chờ đợi SCIC thoái vốn khỏi Vocarimex.
Phải đến tháng 11 năm nay, Kido mới mua thành công 36% vốn để nâng sở hữu Vocarimex từ 51% lên 87%, khởi động lại kế hoạch hợp nhất Tường An. Cụ thể, Tập đoàn này đã chi 1.256 tỷ đồng để mua trọn lô 44,2 triệu cổ phiếu Vocarimex do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu, tương đương với giá 28.288 đồng/cp, thấp hơn 23% thị giá.
Vocarimex vừa có quý tồi tệ nhất từ khi lên sàn khi lỗ 1,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 73 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng, lợi nhuận 116 tỷ đồng, giảm 44%. Theo Vocarimex, doanh thu nhóm thương mại giảm đến 67% trong quý III khiến doanh thu nhóm này giảm 46,5%. Điều này khiến tổng doanh thu giảm, biên lợi nhuận gộp giảm.
Về phần Tường An, do giá dầu nguyên liệu tăng cao nên lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng giảm từ 58% xuống 33 tỷ đồng trong quý III. Doanh thu tăng 14% nhưng giá vốn tăng 27% khiến lợi nhuận gộp giảm 69%, xuống 69 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,7% xuống 4,3%.