Cảng Nam Hải Đình Vũ là một trong những dự án trọng điểm của Viconship. |
CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship - HoSE: VSC) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100%.
Hiện Viconship đang sở hữu 35% vốn của Cảng Nam Hải Đình Vũ - đơn vị có vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Viconship dự kiến nhận chuyển nhượng tối đa 65% vốn từ Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy và Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng.
Giá trị mỗi phần vốn nhận chuyển nhượng là 83.800 đồng/CP, tương đương tổng số tiền giao dịch nhận chuyển nhượng là gần 2.179 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ nguồn thu trong đợt phát hành gần 133,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (giá 10.000 đồng/CP) và nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đồng thời, HĐQT cũng ra thêm nghị quyết thông qua phương án vay vốn với tổng hạn mức 1.450 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - chi nhánh Hải Phòng.
Việc nâng sở hữu tại cảng Nam Hải Đình Vũ lên 100% nằm trong kế hoạch kinh doanh đã được cổ đông Viconship thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua.
Trước đó, trong năm 2023, Viconship đã hoàn tất mua mới 35% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng), với giá trị khoảng 1.004 tỷ đồng, tương ứng mua với giá gần 75.000 đồng/CP. Khoản đầu tư này đang được Viconship hạch toán vào công ty liên kết.
Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Tạ Công Thông cho biết sau khi mua lại cảng Nam Hải Đình Vũ từ Gemadept, các khối khách hàng thân thiết của Gemadept trước đây đã rút xuống cảng Nam Đình Vũ. Vì vậy, Viconship hiện đang trong quá trình xây dựng lại tập khách hàng, cảng cũng đã có 3 tuyến tàu hoạt động tại đây.
“VSC đã và đang tìm kiếm những đối tác chiến lược để song hành phát triển dự án cảng Nam Hải Đình Vũ,” ông Thông cho biết thêm.
Về lý do lựa chọn cảng Nam Hải Đình Vũ, Tổng giám đốc Viconship cho biết xu hướng các cảng tại trung tâm nội đô trong tương lai sẽ bị di dời để thực hiện phát triển đô thị hóa thành phố. Cảng Hoàng Diệu của VSC nằm trong số đó.
Vì vậy Viconship bắt buộc phải mua thêm một cảng tại khu vực hạ lưu. Theo ông Tạ Công Thông, Nam Hải Đình Vũ lại nằm cạnh cảng Vip Greenport của VSC. Việc mua lại cảng này sẽ tập trung được nguồn lực tại cùng một khu vực, cả thiết bị lẫn cả nhân lực. Theo kế hoạch năm 2024, cảng Nam Hải Đình Vũ trong năm 2024 sẽ đạt lợi nhuận 100 tỷ đồng.
Rút chân khỏi Hyatt Place
Ở một diễn biến khác, HĐQT của Viconship vừa có nghị quyết thông qua việc thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng giữa hai công ty con là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh, Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh với CTCP Tập đoàn T&D Group.
Dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng có diện tích đất sử dụng gần 2.000 m2 với vị trí đắc địa tại trung tâm TP Hải Phòng, khi nằm tại số 43 đường Quang Trung và số 37 đường Phan Bội Châu, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng. Vào tháng 4/2022, UBND TP Hải Phòng có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời thông qua CTCP Tập đoàn T&D Group (T&D Group) làm nhà đầu tư dự án trên.
Đến ngày 21/12/2022, T&D Group cùng với các công ty con của Viconship là Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh ký hợp đồng hợp tác đầu tư, triển khai kinh doanh dự án Hyatt Place Hải Phòng.
Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án là 1.423,6 tỷ đồng, trong đó các công ty con của VSC góp 823,6 tỷ đồng (mỗi công ty thực góp 411,8 tỷ Đồng) và T&D Group góp 600 tỷ đồng. Tiền góp vốn gốc của các công ty con được chuyển cho T&D Group để thực hiện dự án đầu tư và được hoàn trả bởi T&D Group từ năm 2024 trở đi.
Giải thích về việc rút khỏi dự án Hyatt Place, tại ĐHĐCĐ vừa qua, bà Trương Anh Thư – Giám đốc Tài chính Viconship cho biết công ty sẽ thoái vốn đầu tư khỏi dự án này để tập trung nguồn lực cho những mảng kinh doanh cốt lõi, thay vì dàn trải vào những mảng kinh doanh không trọng yếu.