Các hố khai quật di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) được trưng bày ngoài trời, có mái che phục vụ nghiên cứu và tham quan. |
Cụ thể, 5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt này gồm Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai); Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi); Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); Di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Công cụ ghè một mặt được tìm thấy ở xã An Bình, thị xã An Khê. |
Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá thuộc xã Xuân An và Gò Đá nằm trên địa bàn phường An Bình, thị xã An Khê được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước phát hiện từ giữa tháng 6/2014.
Nhiều hiện vật đồ đá, địa tầng, di vật và kết quả phân tích những mảnh thiên thạch phát hiện tại đây đã khẳng định sự tồn tại một cộng đồng cư dân cổ cùng thành tựu văn hóa đầu tiên của loài người từ hơn 80 vạn năm trước.
Điều này cũng đồng nghĩa sự hình thành và phát triển ở vùng đất này đã được định hình từ rất lâu, trở thành luận cứ vững chắc khẳng định giá trị bất biến về ý nghĩa khảo cổ học, lịch sử học của Rộc Tưng - Gò Đá nói riêng, thị xã An Khê nói chung trong bản đồ phát triển nhân loại.
Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh có niên đại cách đây trên dưới 3.000 năm tại Di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Bộ sưu tập này được công nhận là Bảo vật quốc gia. |
Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909 ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ qua nhiều đợt khai quật đã phát hiện khoảng 500 mộ chum và nhiều đồ tùy táng của nền văn minh tồn tại 2.000 - 3.000 năm trước phân bố chủ yếu ở miền Trung.
Theo hồ sơ khoa học về di tích văn hóa Sa Huỳnh do tỉnh Quảng Ngãi lập, di tích này gồm 5 điểm di tích: Long Thạnh (Gò Ma Vương), Phú Khương, Thạnh Đức, đầm An Khê và lạch An Khê, quần thể di tích Chăm Pa, thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh.
Các nhà khoa học nhận định, giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt ở quần thể này vẫn còn nguyên vẹn với tính xác thực cao. Đến nay, Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và 7 lần đào thám sát, khai quật lớn với hàng trăm hiện vật thu được. Từ đó có thể xây dựng khu di tích văn hóa Sa Huỳnh thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này đại diện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đình Hương Canh thuộc thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. |
Cụm đình Hương Canh thuộc Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Cụm đình bao gồm các đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh.
Cụm đình cùng thờ chung 6 vị thành hoàng, gồm Ngô Xương Ngập (con cả của Ngô Quyền, vua nhà Ngô, trị vì từ năm 951 - 954) được phong là Thiên Sách Hoàng đế (thờ tại Chính vị). Vua Ngô Xương Văn (con thứ của Ngô Quyền, vua nhà Ngô, trị vì từ năm 950 -965), được phong là Quốc Vương Thiên tử (thờ tại Tả vị). Đổ Cảnh Thạc (912 - 967, tướng của Ngô Quyền, sau này là một trong thủ lĩnh thời 12 sứ quân), được phong là Đông Nhạc Đại thần (thờ tại Hữu vị).
Cùng 3 nhân vật khác được phối thờ là Linh Quang Thái Hậu (phu nhân của Thiên Sách Hoàng đế); Khả/A Lã Nương Nương (phu nhân của Quốc Vương Thiên tử) và Thị Tùng Phu Nhân (phu nhân của Đông Nhạc Đại thần).
Đình Hương Canh, đình Ngọc Canh và đình Tiên Canh là ba ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài (phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long, gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và Tây Bắc thành phố Hà Nội ngày nay).
Khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế - vị anh hùng dân tộc lãnh đạo cuộc khởi chống sự chiếm đóng của nhà Đường đầu thế kỉ thứ 8 - nằm dưới chân núi Đụn, ngày nay thuộc xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. |
Khu di tích lịch sử vua Mai Hắc Đế nằm tại thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1996. Đây là nơi thờ phụng Đức Vua, Thân mẫu và vua kế vị Mai Thiếu Đế.
Theo lịch sử ghi lại thì nơi thờ vua Mai Hắc Đế vốn là một ngôi đền nhỏ, khá đơn giản. Đến năm Minh Mạng thứ hai mới được xây dựng khang trang hơn, theo kiểu chồng diềm tám mái.
Năm 2005, ngôi đền được trùng tu gồm ba phần là thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng công đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối.
Đền thờ vua Mai Hắc Đế được xây dựng cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian nên đã xuống cấp trầm trọng và bị hủy hoại hoàn toàn. Đầu năm 2011, đền thờ Mai Hắc Đế được phục hồi, tu bổ tôn tạo lại trên nền đất cũ trước đây.
Đền thờ Mai Hắc Đế đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011.
Tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép tại Di tích Chiến thắng Ấp Bắc. |
Di tích Chiến thắng Ấp Bắc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1993. Khu di tích tọa lạc tại xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 21km về hướng Tây.
Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Genève vào ngày 2/1/1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Khu di tích bao gồm quần thể rộng lớn với 2 phân khu chức năng.
Hiện nay, Khu di tích là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên gần 3 ha bao gồm: nhà trưng bày, khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc trong chiến đấu, tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép, khu trưng bày những chiến lợi phẩm sau trận đánh: xe bọc thép, máy bay lên thẳng, pháo 105 ly; khu mộ 3 chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ); nhà quản trang.
Chiến thắng Ấp Bắc là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Tiền Giang và dân tộc ta. Đã nói lên ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chiến tranh nhân dân.