Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố cho biết, tiêu thụ vàng của Việt Nam trong quý IV/2022 đạt 13,5 tấn, tăng 58% so với cùng kỳ 2021. Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi và xu vàng, cũng như nhu cầu trang sức.
Cụ thể, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu đạt 9 tấn, tăng 48% so với 6,1 tấn của cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, nhu cầu trang sức tăng hơn 80%, từ 2,5 tấn lên 4.5 tấn. Tính chung cả năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ 59,1 tấn vàng, tăng 37% so với mức 43 tấn của năm 2021.
Theo dữ liệu trên, Việt Nam đã tiêu thụ 59,1 tấn vàng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, theo Hội đồng Vàng thế giới.
"Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vực ASEAN năm 2022, với mức tăng 37% so với năm 2021", ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc của WGC, nhấn mạnh.
Ông Naylor nói thêm rằng "có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng trong nước trong quý 4, mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại như trước, và niềm tin được củng cố của người tiêu dùng về tăng trưởng kinh tế".
Cũng theo ông Naylor, Việt Nam còn dẫn đầu khu vực về tăng trưởng nhu cầu trang sức trong năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - mức cao nhất trong 14 năm qua.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), xu hướng do WGC ghi nhận được thể hiện rõ nét. Năm 2022, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 33.876 tỷ đồng, tăng 73,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.807 tỷ đồng, tăng 75,6% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã vượt 31% chỉ tiêu doanh thu và vượt 37% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022.
Trong đó, riêng quý 4/2022, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.302 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 466 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán lẻ của PNJ tăng 24%, với lý do được nêu là nền kinh tế phục hồi mạnh và vĩ mô ổn định. Doanh thu vàng 24K quý trước của công ty cũng tăng 15% nhờ sự phục hồi của thị trường và thay đổi trong xu hướng đầu tư.
Trên phạm vi toàn cầu, báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng (không bao gồm thị trường OTC) trong năm 2022 tăng gần 18% so với năm 2021, đạt 4.741 tấn - mức cao nhất kể từ năm 2011 và được thúc đẩy nhiều bởi nhu cầu cao chưa từng thấy trong quý 4.
Một nhân tố quan trọng dẫn tới nhu cầu vàng toàn cầu cao nhất 11 năm trong năm qua là xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương. Nhóm này đã tăng gấp đôi mức mua ròng vàng, lên mức 1.136 tấn trong năm 2022 từ mức 450 tấn trong năm 2021. Đây là mức mua ròng vàng lớn nhất của các ngân hàng trung ương trong 55 năm qua.
Đặc biệt trong quý 4, các ngân hàng trung ương mua ròng 417 tấn vàng, nâng tổng lượng mua ròng trong nửa cuối năm lên hơn 800 tấn vàng.
"Năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến nhu cầu vàng hàng năm đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu khổng lồ của các ngân hàng trung ương đối với tài sản trú ẩn an toàn. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao thúc đẩy sự đầu tư vào vàng thỏi và vàng xu, cộng hưởng với các yếu tố thúc đẩy nhu cầu khác, đã cân bằng lại lượng vàng bán đi khỏi các quỹ ETF. Việc các quỹ ETF bán ròng vàng vốn là sự phản ứng tức thời mang tính chiến thuật trước việc gia tăng lãi suất. Và cuối cùng, nhu cầu đầu tư vàng vẫn tăng 10% so với năm trước", chuyên gia nghiên cứu cấp cao Louise Street của WGC nhận xét.