Đồ họa kênh đào Funan Techo của Campuchia. Ảnh: Phnom Penh Post |
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 9/5, trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Những thông tin mà chúng tôi có được đến thời điểm này về dự án kênh đào Funan Techo là chưa đủ để có thể đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án”.
Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong tiểu vùng sông Mekong, chia sẻ đầy đủ thông tin và tiến hành đánh giá chi tiết tác động của dự án này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, xử lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình.
Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Theo Khmer Times, vào tháng 6/2023, Chính phủ Campuchia đã thành lập ủy ban liên bộ để thực hiện Dự án Hệ thống Hậu cần và Đường bộ Giao thông Tonle Bassac, còn gọi là "Funan Techo Canal” (Kênh đào Phù Nam). Dự kiến Campuchia sẽ tiến hành lễ khởi công dự án vào quý 4/2024.
Kênh đào Funan có chiều dài 180 km, kéo dài từ Prek Takeo của sông Mekong, xuyên qua Prek Ta Ek của sông Bassac, sau đó vào Prek Ta Hing của sông Bassac, huyện Koh Thom và kéo dài đến tỉnh Kep, đi qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Kênh rộng 100 mét về phía thượng nguồn và 80 mét về phía hạ lưu, độ sâu 5,4 mét (độ sâu thông thuyền 4,7 mét và khoảng cách an toàn 0,7 mét), 2 làn tàu có thể ra vào và tránh nhau an toàn.