Việt Nam chi hơn một tỷ USD để nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 557.111 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt với kim ngạch trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 125.140 tấn với kim ngạch 413,6 triệu USD, chiếm 22,5% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024.
So với cùng kỳ năm trước, lượng và kim ngạch nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ tăng lần lượt 22,7% và 37,9%.
Mỹ là thị trường lớn nhập khẩu lớn thứ hai khi chiếm 11,7% tổng lượng nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam. Đứng sau là Nga với 9,65% tỷ trọng, Brazil với 5,86%, Hàn Quốc với 6,6%, Ba Lan với 7,91%...
Ngoài 6 thị trường trên, Việt Nam còn nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt các thị trường khác trong 8 tháng đầu năm 2024 như Canada, Argentina, Hong Kong (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Italy, Tây Ban Nha...
Về chủng loại, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Việt Nam còn nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Theo Cục Xuất nhập khẩu, nhìn chung lượng nhập khẩu các chủng loại đều tăng, trừ thịt lợn tươi ướp lạnh giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đạt 64.240 tấn với kim ngạch 144,4 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 18% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá trung bình nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh về Việt Nam ở mức 2.245 USD/tấn, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam được nhập khẩu từ 32 thị trường trên thế giới, trong đó Brazil chiếm 38,5% tổng lượng nhập khẩu, Nga chiếm 30,8%, Canada chiếm 9,1%, Đức chiếm 5,6%, các thị trường khác chiếm 15,9%...
Việt Nam chi tới tỷ USD để nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt, do đó việc kiểm soát nguồn đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm nhập khẩu ngày càng được triển khai chặt chẽ.
Theo số liệu từ Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, từ khi Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực ngày 16/5/2024, Việt Nam đã phát hiện 55 lô hàng thịt dương tính với vi khuẩn salmonella trên tổng số 6.679 lô hàng được xét nghiệm. Vi khuẩn salmonella là một loại vi trùng có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật.
Chia sẻ với báo chí ngày 4/10 vừa qua, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chống buôn lậu và kiểm soát nhập khẩu là một trong những mũi nhọn mà Bộ NN&PTNT tập trung trong ngành chăn nuôi thời gian qua. Ông nhấn mạnh, các quốc gia có thể xuất khẩu vào Việt Nam nhưng phải gắn với Luật Thú y, nếu đủ điều kiện Việt Nam sẽ thực hiện mở cửa.
"Việt Nam có thể mở cửa nhập khẩu nhưng không được nhập khẩu một cách dễ dãi, như vụ thịt nhiễm salmonella. Năm 2024, mặc dù số vụ ngộ độc không tăng nhưng số người ngộ độc tăng rất cao, chủ yếu do salmonella. Mở cửa phải kiểm soát được, không thể để ngành chăn nuôi Việt Nam trở thành bãi rác của khu vực và thế giới," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trao đổi với báo chí ngày 4/10. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Liên quan đến nguồn cung thịt lợn trên thế giới, theo Cục Xuất nhập khẩu, sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2025 dự kiến sẽ giảm do nhu cầu yếu và lượng thịt lợn giết mổ ít hơn.
Số lượng lợn nái thấp hơn trong năm 2024 sẽ dẫn đến giảm số lượng lợn con được nuôi thịt. Sản lượng thịt lợn trong nửa cuối năm 2025 dự kiến sẽ cao hơn so với nửa đầu năm 2025, do số lượng lợn nái sẽ phục hồi vào cuối năm 2024. Sự gia tăng sản lượng này xuất phát từ phản ứng của các nhà chăn nuôi lợn và các công ty lớn trước những đợt tăng giá lợn gần đây.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ thịt lợn năm 2025 giảm chủ yếu do chế độ ăn thay đổi, dù thịt lợn vẫn là loại thịt được tiêu thụ chính, nhưng người tiêu dùng chuyển đổi nhiều hơn sang các nguồn protein động vật khác, chẳng hạn như thịt bò, thịt gia cầm và thủy hải sản.