Việt Nam ở đâu trong bức tranh tăng trưởng ASEAN quý đầu năm

KINH TẾ asean
07:32 - 17/05/2023
Việt Nam ở đâu trong bức tranh tăng trưởng ASEAN quý đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Với tăng trưởng GDP ở mức 3,32%, kinh tế Việt Nam đứng thứ tư trong khối các nước ASEAN-6 về kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2023.

Philippines là quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực ASEAN-6 trong quý 1/2023. Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này tăng 6,4% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó, đánh dấu mức tăng chậm nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2021 do lạm phát nóng và lãi suất cao làm giảm tiêu dùng.

Dữ liệu của Chính phủ Philippines cho thấy, tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình đã chậm lại trong quý thứ tư liên tiếp xuống còn 6,3%, phản ánh tác động của lạm phát. Ngân hàng trung ương đã báo hiệu có thể tạm dừng chu kỳ thắt chặt sau khi lạm phát giảm tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 4 xuống còn 6,6%.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Philippines trong tháng 3 giảm xuống 4,7% từ 4,8% của tháng trước và từ 5,8% vào tháng 3 năm ngoái cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi nước này đang dần phục hồi sau đại dịch. Philippines cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 6-7% trong năm 2023.

Đứng thứ hai là Malaysia. Ngân hàng trung ương nước này cho biết, kinh tế Malaysia tăng trưởng 5,6% trong quý 1/2023, được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, thị trường lao động và tiêu dùng tư nhân cải thiện, báo hiệu sự phục hồi kinh tế liên tục sau đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm.

Về mặt tích cực, hoạt động du lịch mạnh mẽ cùng việc thực hiện các dự án bao gồm cả những dự án trong ngân sách sửa đổi sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong năm nay.

Rủi ro đối với nền kinh tế có thể bắt nguồn từ xuất khẩu thấp do tăng trưởng toàn cầu yếu, và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu biến động hơn. Nhưng nhà điều hành vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cả năm đạt 4 - 5% nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ bất chấp môi trường kinh doanh biến động.

Theo sau là Indonesia, khi cơ quan thống kê của Indonesia cho hay, GDP nước này tăng trưởng 5,03% trong quý 1/2023. Con số này cao hơn mức 5,01% của quý 4/2022, cao hơn mức 5,02% cùng kỳ năm 2022, cũng cao hơn mức tăng trưởng 5% ngân hàng Indonesia dự báo trước đó.

Indonesia hiện là nhà sản xuất hàng đầu các mặt hàng như than đá, dầu cọ và niken. Năm ngoái khi kinh tế phục hồi sau đại dịch, quốc gia này đã chứng kiến doanh thu xuất khẩu tăng mạnh. Năm nay, giá hàng hóa đã giảm đi tuy nhiên mức giá chung vẫn đang ở ngưỡng cao.

Ngân hàng Indonesia dự báo tăng trưởng năm 2023 rơi vào khoảng 4,5-5,3%.

Việt Nam đứng thứ tư trong khối các nước ASEAN-6 về kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2023. Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, GDP quý 1/2023 của Việt Nam tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.

Năm 2023, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. Tại kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Tại kịch bản 2, mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5% rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là Thái Lan và Singapore. Với Thái Lan, số liệu từ Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong quý 1/2023 đã tăng trưởng 2,7% so với một năm trước đó, cao hơn mức tăng trưởng 1,4% trong quý trước.

Kinh tế Thái Lan đã tăng nhanh hơn dự kiến trong quý 1/2023, nhờ du lịch phục hồi, trong khi các nhà đầu tư lo lắng về bất ổn chính trị sau khi phe đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Đà phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan đã tụt lại so với các nước trong khu vực do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kinh tế Xứ Chùa tháp đã tăng trưởng khả quan trở lại trong những tháng gần đây khi du khách Trung Quốc quay trở lại.

Sự hồi sinh của "ngành công nghiệp không khói," chiếm 11-12% GDP, được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp tác động từ việc xuất khẩu giảm.

Cơ quan kế hoạch Nhà nước của Thái Lan dự báo kinh tế tăng trưởng 2,7-3,7% trong năm 2023, cao hơn so với mức 2,6% của năm ngoái.

Trong đó, NESDC giữ nguyên dự báo lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan năm 2023 là 28 triệu lượt. Thái Lan đã đánh bại mục tiêu du lịch vào năm 2022 với 11,15 triệu du khách.

Với Singapore, theo Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, do sự giảm sút trong sản xuất, GDP của Singapore tăng trưởng 0,1% trong quý 1/2023, thấp hơn mức tăng trưởng 2,1% của quý 4 năm 2022.

Các ngành công nghiệp liên quan đến du lịch và hàng không của Singapore đã được hưởng lợi nhờ việc mở cửa trở lại của khu vực. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn ghi nhận mức tăng trưởng âm 6,0% trong quý 1/2023 khi các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và châu Âu giảm nhu cầu.

MTI đặc biệt lưu ý về triển vọng có phần không lạc quan của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu bên ngoài đối với các sản phẩm chủ lực của Singapore tiếp tục suy giảm. Cơ quan này dự báo tăng trưởng kinh tế của Singapore sẽ giảm tốc trong năm nay, con số dự báo ở mức 0,5% đến 2,5%.

Trong khi đó, ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) trong một tuyên bố cũng dự báo tăng trưởng GDP của Singapore sẽ thấp hơn năm ngoái.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4/2023 đã nhận định ASEAN sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay và 5% trong năm 2024. Trong khi đó, ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024 - là mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này.

Đọc tiếp