Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại sự kiện. |
Thông tin về tình hình thu hút FDI của Việt Nam, tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Năm 2022, Việt Nam thu hút khoảng 22,4 tỷ USD vốn FDI thực hiện, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Việt Nam tham gia và thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA...
Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực đang đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, Việt Nam đã có nhiều chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.
Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với mục tiêu cụ thể như tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới;
Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ…) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030;
Đặc biệt, đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
Xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp
Để đạt được những mục tiêu trên, tại diễn đàn do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Một trong những giải pháp là xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác
Nhằm hỗ trợ các khu công nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Ngày 9/1, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định cụ thể quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.
Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các vùng, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Đây là cơ hội lớn để sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của các vùng kinh tế - xã hội, các khu công nghiệp để thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.