Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý 2/2023

LÃI SUẤT Việt nAM
15:00 - 11/05/2023
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
0:00 / 0:00
0:00
Nhìn nhận môi trường lãi suất cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia đều đồng thuận, nếu dung hoà được chính sách Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý 2/2023.

Lãi suất cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Phát biểu tại toạ đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023" do Viện Nghiên cứu Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 11/5, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Thu đánh giá, lãi suất là vấn đề rất lớn, có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như sự hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Kể từ năm 2021, cùng sự phục hồi của của các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19, lạm phát vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam đã được kiểm soát ở mức thấp, tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng CPI của Việt Nam năm 2022 đạt 3,15% và đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%.

Theo PGS. TS Nguyễn Anh Thu, năm 2023, với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, trong bối cảnh lạm phát bình quân quý 1/2023 tăng 4,18%, lạm phát cơ bản tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước, lãi suất vẫn là công cụ chủ yếu để kiểm soát lạm phát và việc tăng lãi suất điều hành sẽ giúp giảm bớt áp lực can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên lãi suất tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các chỉ số phát triển doanh nghiệp, cũng như các chỉ số sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam trong năm 2023.

Đây cũng là luận điểm được đưa ra xuyên suốt phần trình bày báo cáo của TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. Ông nhận định, lãi suất cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Theo ông Tú Anh, kinh tế Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý 4/2022.

Mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023, điều này đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Chi phí lãi vay đã chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam năm 2022, trong khi đó lãi suất cho vay tại Trung Quốc giảm nhanh sau khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.

Tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong ba tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Mức lãi suất cho vay bình quân từ khoảng 9-10% được chuyên gia đánh giá là rất cao và làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo NHNN, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1,13 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân là 10% thì riêng chi phí lãi vay mà doanh nghiệp và người dân phải chịu ít nhất là 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương với 12% GDP của Việt Nam năm 2022.

"Môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp vì lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng khiến người muốn khởi nghiệp chùn bước", ông Nguyễn Tú Anh cho biết.

'Cung tiền mới là yếu tố quan trọng trong điều hành lạm phát chứ không phải là tín dụng'

Nhấn mạnh quan điểm Việt Nam vẫn còn dư địa để hạ lãi suất, ông Tú Anh cho hay, nhiều người có quan điểm cần kiểm soát tín dụng để kiểm soát lạm phát là không chính xác. Cung tiền mới là yếu tố quan trọng trong điều hành lạm phát chứ không phải là tín dụng.

Từ năm 2020 tăng trưởng cung tiền xuống rất thấp, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức chấp nhận được dù chúng ta nhập khẩu lạm phát rất nhiều.

"Nhìn lại năm 2022, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm có vẻ ổn nhưng đến quý 4/2022 thì giảm mạnh do đơn hàng sụt giảm, sản xuất suy giảm, chỉ số PMI liên tục dưới 50 điểm", ông Tú Anh cho hay.

Trong bối cảnh khó khăn đó, lãi suất quý 4/2022 lại tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp, lãi suất cho vay trung bình ở mức 12-13% và thực tế có những ngân hàng còn cho vay với mức lãi suất cao hơn.

Một yếu tố nữa là từ năm 2011-2020 Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn. Trong hai năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch Covid-19 và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn.

Theo đó, vị chuyên gia này khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

Đồng quan điểm, chia sẻ tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tổ chức tín dụng còn yếu kém do đó lãi suất còn cao. Tuy nhiên, nếu dung hoà được chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý 2/2023.

"Chúng ta còn dư địa để giảm lãi suất trong bối cảnh áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý 4/2022. Chưa kể, nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và nợ đọng vốn của doanh nghiệp giảm xuống, thông những điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt", TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng.

Đọc tiếp