Giao dịch sàn HoSE phiên 8/4. |
Kết phiên, chỉ số sàn HoSE giảm gần 5 điểm so với kết phiên thứ Sáu tuần trước, lùi về mốc 1.250,35 điểm. HNX-Index giảm 1,6 điểm, UPCoM cũng giảm nhẹ 0,12 điểm. Thanh khoản sụt giảm so với mức trung bình thời gian gần đây, với giá trị khớp lệnh đạt hơn 20.600 tỷ đồng.
Tín hiệu tiêu cực nữa là khối ngoại lại đảo chiều bán ròng sau hai phiên trở lại mua ròng. Nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 150 tỷ đồng trên sàn HoSE, với tâm điểm bán ròng là VHM với 283 tỷ đồng. Một mã thuộc “nhóm Vingroup” khác là VRE cũng bị bán ròng 123 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có chứng chỉ quỹ FUESSVFL 119 tỷ đồng; DIG, HHV, DPM, DCM, SAB, VNM trên 20 tỷ đồng…
Chiều ngược lại, SBT và HPG được mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 50 tỷ đồng, kế đến là BID 41 tỷ đồng, DPG 36 tỷ đồng, CTG 25 tỷ đồng, VCB 32 tỷ đồng, DGC 32 tỷ đồng, HDB 30 tỷ đồng; NLG, VPB, KBC, VIX trên 20 tỷ đồng…
Thị trường hôm nay giao dịch trong trạng thái giằng co nên hầu hết các cổ phiếu cũng biến động trong biên độ hẹp. Nhóm ngân hàng tăng vốn hóa nhẹ nhờ BID +1,2%, HDB +2,4%; CTG, MBB, TCB, TPB tăng nhẹ. Một số mã nhỏ cũng ở chiều tăng như BAB +1,6%, LPB +1,5%. Đáng chú ý là VAB tăng 5% lên giá 8.400 đồng/cp.
Cổ phiếu của VietABank bứt phá sau khi ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kết quả thực hiện năm 2023; chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 39%. Ngân hàng còn có kế hoạch niêm yết lên HoSE hoặc HNX (hiện VAB đang giao dịch trên UPCoM).
Các mã ngân hàng ở chiều giảm có STB -2%, PGB -1,6%; EIB, KLB, NAB, NVB, PGB, SHB, SSB, VPB giảm nhẹ.
Nhóm vật liệu xây dựng cũng tăng nhẹ vốn hóa nhờ HPG +0,5%, NKG +0,6%, HSG nằm sàn. POM lập chuỗi giảm sàn 4 phiên liên tiếp, sau thông tin cổ phiếu nhiều khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2023.
Nhóm giảm vốn hóa mạnh là bán lẻ do MWG -2%, FRT -3,5%, PNJ -1,4%, DGW -4,1%. Nhóm công nghệ thông tin cũng điều chỉnh đáng kể khi FPT -1%, CTR -3,9%, CMG -4,8%, ELC -3,9%...
Nhóm gây tác động tiêu cực nhất là chứng khoán với VND -1,8%, VIX -1,8%, SHS -1,5%... HCM và SSI giảm nhẹ, VCI đứng tham chiếu. Một số mã nhỏ giảm mạnh như BVS -5,7%, BSI -5,3%, APS -3,1%, BMS -2,6%... Chiều tăng chỉ còn CTS +1,4%, PHS +8,6%, TVB +2,6%, TVC +5,9%, VFS +2,1%...
Nhóm xây dựng và bất động sản cũng ghi nhận hầu hết các mã ở chiều giảm. VRE giảm mạnh 4,5%. NVL, PDR, CEO, TCH, CII, KDH, NLG, HDC, HUT, HDG… giảm 1-2%. Chiều ngược lại, VHM, DIG, PC1, KOS, BCG, DXS tăng nhẹ. NHA tăng mạnh 6,5%, NTL tăng hơn 3%, DPG tăng 4,5%.
Trong nhóm xây dựng và bất động sản, DPG của Tập đoàn Đạt Phương đang cho hiệu suất vượt trội hơn khi tăng gần 30% kể từ đầu tháng 3 đến nay. Mã kết phiên 8/4 ở mức giá 51.500 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Một cổ phiếu đáng chú ý khác là VTP của Viettel Post, giảm sàn về mức giá 73.800 đồng/cp. Sau khi leo lên vùng đỉnh hơn 94.000 đồng/cp trong thời gian ngắn, mã này chịu áp lực điều chỉnh kể từ giữa tháng 3/2024 đến nay.