Vốn FDI đăng ký mới 9 tháng đầu năm giảm mạnh nhất một thập kỷ

FDI Việt nAM
07:36 - 27/09/2022
Vốn FDI đăng ký mới 9 tháng đầu năm giảm mạnh nhất một thập kỷ
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể chậm lại trong ngắn hạn trước nhiều rủi ro và biến động trên thế giới, nhưng về dài hạn, nền tảng vĩ mô ổn định vẫn là lợi thế giúp Việt Nam thu hút FDI.

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3 điểm phần trăm so với 8 tháng. Tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, xét về cơ cấu vốn, có 1.355 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký mới chỉ đạt 7,12 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ và giảm mạnh nhất kể từ năm 2013.

Có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD tăng 29,9% so với cùng kỳ.

Có 2.697 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 4,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,7% và 15,9% tổng số dự án.

Về đối tác đầu tư, đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,75 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,8 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư, giảm 2,38% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,9 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 9 tháng năm 2022, chiếm 21,4% số dự án mới, 36% số lượt điều chỉnh và 35% số lượt góp vốn mua cổ phần.

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong đó, TP HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,96 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,7 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn, tăng trên 58% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,78 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội. Trong đó, TP HCM dẫn đầu về số dự án mới (41,8%), số lượt góp vốn mua cổ phần (66,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,8% sau Hà Nội là 18,4%).

Về vốn FDI thực hiện, tính lũy kế đến ngày 20/9/2022, cả nước có 35.725 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 431,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 267 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Về kim ngạch xuất - nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm 2022 với mức tăng cao hơn 8 tháng. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt trên 210,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 209,1 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 181,78 tỷ USD, tăng 13,8 % so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, khu vực FDI xuất siêu trên 29 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 27,3 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 23,3 tỷ USD.

Việc dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam do biến động tỷ giá là không quá đáng lo ngại

Thực tế, vốn giải ngân mới là con số quan trọng nhất, bởi đó là dòng vốn thực đưa vào nền kinh tế, qua đó tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu vốn đăng ký mới suy giảm thì sẽ ảnh hưởng đến vốn giải ngân trong những giai đoạn sau. Theo số liệu thống kê, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam liên tục sụt giảm những tháng gần đây.

Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi với Mekong ASEAN gần đây, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, FDI của Việt Nam năm nay tăng trưởng không cao như kỳ vọng, chỉ tương đương mức tăng trưởng của năm ngoái, do ảnh hưởng của các vấn đề kinh tế - chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, việc dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam do biến động tỷ giá là không quá đáng lo ngại bởi thực tế tỷ giá VND/USD vẫn ở mức dưới 4%, là mức biến động thấp hơn rất nhiều so với những đồng tiền khác trên thế giới như EUR, Yen hay hầu hết đồng tiền khác mất giá rất nhiều so với USD.

Mặt khác, việc thu hút FDI vào Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố ngắn hạn mà còn tùy thuộc vào nền tảng của kinh tế Việt Nam, lợi thế của kinh tế Việt Nam so với thế giới, ví dụ như lao động giá rẻ, lợi thế về các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và cam kết ổn định tỷ giá. Dòng vốn FDI có thể chậm lại trong ngắn hạn khi thế rủi ro, bất ổn trên thế giới đang tăng cao. Khi khó khăn toàn cầu qua đi, Việt Nam có thể thu hút được FDI quay trở lại.

Đặc biệt, động thái nâng lãi suất mới đây của ngân hàng Nhà nước, tỷ giá hối đoái chắc chắn sẽ ổn định hơn, vì vậy lo ngại về khả năng rút vốn trong ngắn hạn sẽ bớt đi nhiều.

Đồng quan điểm, trong buổi họp báo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giám đốc quốc gia của ADB, ông Andrew Jeffries cũng đã đưa ra nhận định, có thể sẽ có những cú sốc trên toàn cầu ảnh hưởng đến FDI nói chung.

Việc thu hút FDI của một số quốc gia có thể đang gặp phải vấn đề liên quan đến nợ công cao hay tỷ giá cao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không phải đương đầu với rủi ro đặc thù nào kiểu như vậy vì thế không nên quá lo sợ về kịch bản FDI suy giảm, ít nhất trong ngắn hạn, ông Jeffries dự báo.

Tin liên quan

Đọc tiếp