World Bank: Nguy cơ suy thoái toàn cầu năm 2023 đang ở mức cao

KINH TẾ Suy thoái
08:24 - 16/09/2022
Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C, Mỹ. Ảnh: Reuters
Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C, Mỹ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong một nghiên cứu mới nhất hôm 15/9, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định nền kinh tế toàn cầu rất có thể đang dần tiến tới một cuộc suy thoái khi các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.

World Bank nhận định các đợt tăng lãi suất đồng bộ đang được tiến hành trên toàn cầu và các hành động chính sách liên quan có thể vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2023. Tuy nhiên, tất cả những động thái này có thể sẽ không đủ để đưa lạm phát trở lại mức trước đại dịch Covid-19.

Nguyên nhân là do trừ khi có sự gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động giảm xuống, tỷ lệ lạm phát cơ bản toàn cầu (không bao gồm năng lượng) có thể vẫn sẽ ở mức 5% vào năm 2023. Con số này cũng tương đương với mức cao gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước khi đại dịch xảy ra.

Vì vậy để có thể ghìm cương mức lạm phát cao này, các ngân hàng trung ương có thể cần tăng lãi suất thêm 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên sự gia tăng ở quy mô này kết hợp với căng thẳng thị trường tài chính sẽ làm chậm tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 0,5% vào năm 2023 hoặc giảm 0,4% tính theo đầu người.

"Tất cả các yếu tố này đều đáp ứng được định nghĩa kỹ thuật về suy thoái toàn cầu", theo World Bank.

Phó Chủ tịch World Bank Ayhan Kose cũng cho biết việc thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ gần đây cùng với các giải pháp đồng bộ đi kèm, tuy sẽ giúp cắt giảm lạm phát nhưng có thể cũng làm phức tạp thêm tình hình và làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Nghiên cứu của World Bank chỉ ra, giới hoạch định chính sách trên toàn cầu đang thu hồi các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và tài khoá "ở mức độ đồng bộ chưa từng thấy" trong nửa thế kỷ qua, điều đó đang tạo ra những tác động lớn hơn hình dung của nhiều người, khiến các điều kiện tài chính bị siết chặt và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh.

Reuters trích dẫn nghiên cứu của World Bank được công bố hôm 15/9 cho biết cả 3 nền kinh tế lớn nhất bao gồm Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro đều đã chứng kiến sự chững lại đáng kể. Cũng chính sự chậm lại này gây ra một số tác động vừa phải đối với triển vọng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và từ đó “đẩy nó vào suy thoái”.

Theo nhận định của tổ chức này, nền kinh tế thế giới hiện đang trong giai đoạn suy thoái mạnh nhất sau sự phục hồi hậu suy thoái kể từ năm 1970. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng thậm chí còn giảm mạnh hơn so với thời kỳ suy thoái toàn cầu trước đó.

Kinh nghiệm từ các cuộc suy thoái trước cho thấy lạm phát toàn cầu vẫn có thể tăng kể cả khi tăng trưởng và nhu cầu suy yếu. Ảnh: Reuters

Kinh nghiệm từ các cuộc suy thoái trước cho thấy lạm phát toàn cầu vẫn có thể tăng kể cả khi tăng trưởng và nhu cầu suy yếu. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhận định: “Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể và có khả năng còn chậm hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ lo lắng rằng những xu hướng này sẽ còn kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Trong bối cảnh phức tạp này, ông Malpass cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên chuyển trọng tâm từ giảm tiêu thụ sang thúc đẩy sản xuất, gia tăng đầu tư và gia tăng năng suất để giải quyết tận gốc vấn đề.

Kinh nghiệm từ các cuộc suy thoái trước đây cho thấy nguy cơ lạm phát vẫn có thể tiếp tục tăng cao dù tăng trưởng và nhu cầu đã suy yếu. Nếu không giải quyết triệt để, nền kinh tế toàn cầu rất có thể sẽ chịu số phận tương đồng với năm 1982 khi cuộc suy thoái toàn cầu dẫn tới hơn 40 cuộc khủng hoảng nợ, lấy mất hàng thập kỷ phát triển kinh tế của nhiều quốc gia đang phát triển.

Nghiên cứu cho rằng các ngân hàng trung ương có thể chống lạm phát mà không ảnh hưởng đến suy thoái toàn cầu bằng cách truyền đạt các quyết định chính sách một cách rõ ràng. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra các kế hoạch tài khóa trung hạn đáng tin cậy và tiếp tục cung cấp cứu trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Đọc tiếp