Mặt hàng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang được trưng bày và quảng bá tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tỉnh cũng ghi nhận sự gia tăng, điều này đã đưa kết quả xuất khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước đạt 3,98 tỷ USD (đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL, sau tỉnh Long An).
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng 12,59% và hoàn thành 79,78% so với kế hoạch năm đã đề ra.
Theo Sở Công Thương Tiền Giang, ước cả năm 2024 xuất khẩu hàng hóa của tỉnh sẽ mang về 5,7 tỷ USD, tăng 4,48% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu nhóm hàng, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong bức tranh xuất khẩu của Tiền Giang 8 tháng đầu năm 2024 với 79,11%. So với cùng kỳ năm trước (YoY), kim ngạch xuất khẩu nhóm này tăng 32,31%.
Nhiều mặt hàng trong nhóm ghi nhận đà tăng trưởng tốt. Cụ thể, mặt hàng kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) ước đạt 1 tỷ USD, tăng 35,94% YoY; may mặc ước đạt 653,81 triệu USD, tăng 47,43% YoY; giày dép ước đạt 629,07 triệu USD, tăng 21,37% YoY.
Mặt hàng sắt thép và sản phẩm từ sắt thép cũng ước đạt 382,85 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 41,7% YoY; sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 367,56 triệu USD, tăng 33,94% YoY...
Trong nhóm nông, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm này của Tiền Giang trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 387 triệu USD, giảm 20,51% YoY và chiếm 9,7% tổng giá trị.
Cụ thể, tỉnh xuất khẩu 101.834 tấn thủy sản với giá trị 248,13 triệu USD, giảm 17,12% về lượng và giảm 30,82% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (YoY). Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là cá tra phile (chiếm 79,81%), còn lại là thủy sản khác như nghêu, sò, mực, ếch, thủy sản đóng hộp, chả cá...
Tỉnh Tiền Giang còn xuất khẩu 91.843 tấn gạo với giá trị 56,24 triệu USD, giảm 29,39% về lượng và giảm 25,92% về kim ngạch so với cùng kỳ. Trong 8 tháng đầu năm, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của tỉnh, chiếm 31,72% tổng trị giá. Đứng sau là thị trường Trung Quốc với 26,53%, Nam Phi với 13,6%, Singapore với 12,46%, HongKong (Trung Quốc) với 11,57%…
Đối với rau quả, 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tiền Giang xuất khẩu 45.281 tấn với giá trị 82,67 triệu USD, tăng lần lượt 133,81% về lượng và 58% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm đã chiếm tới 42,43% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của tỉnh. Đến hiện tại, các mặt hàng rau quả của Tiền Giang đã xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm các thị trường "khó tính" như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Định hướng phát triển xuất khẩu nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang
Căn cứ Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Phương án phát triển và xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với mặt hàng gạo, toàn tỉnh hiện có 56.000 ha canh tác lúa, sản lượng hàng năm đạt 800.000 tấn. Đến nay, gạo của tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu qua 20 thị trường như Trung Quốc, Philippines, Singapore, Nam Phi, Hongkong (Trung Quốc), Dubai, Bahrain, Nam Phi...
Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Tiền Giang sẽ tập trung phát triển các mặt hàng gạo xuất khẩu có chất lượng cao, giá trị gia tăng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm chế biến từ gạo, tăng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Đối với mặt hàng trái cây, Tiền Giang được xem là vựa trái cây lớn nhất cả nước, với tổng diện tích trên 84.192 ha, sản lượng đạt trên 1,76 triệu tấn/năm, với nhiều loại trái cây đặc sản như xoài, sầu riêng, bưởi, vú sữa, chôm chôm, cam, nhãn, dứa, thanh long, sơri, dừa…
Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phát triển mặt hàng trái cây xuất khẩu theo các định hướng như xuất khẩu trái cây tươi, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây chất lượng cao, trái cây đặc sản của tỉnh như sầu riêng, thanh long, xoài cát Hoà Lộc, bưởi da xanh, khóm, mít, dừa... Tỉnh cũng chú trọng đa dạng hoá sản phẩm trái cây chế biến xuất khẩu, hướng tới các sản phẩm trái cây chế biến sâu (nước ép, bột trái cây...).
Đối với thủy sản, Tiền Giang có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 15.044 ha, sản lượng thủy, hải sản đạt trên 310.000 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 121 cơ sở chế biến thuỷ sản, với công suất 345.000 tấn/năm.
Trong định hướng xuất khẩu, theo Sở Công Thương Tiền Giang, hiện nay doanh nghiệp của tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để đa dạng sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Trong thời gian tới, Tiền Giang định hướng xuất khẩu thủy sản tới các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Anh, Nhật Bản, Singapore, Brazil, Mexico, Canada...