Báo cáo tình hình xuất khẩu nông sản tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 7, ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; nguyên liệu đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.
Riêng nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2 %, trong đó xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất.
Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%; sản phẩm chăn nuôi 276 triệu USD, tăng 27,4%. Riêng giá gạo tăng 9,2% lên 534 USD/tấn, giá cà phê tăng 12,8% lên 2.540 USD/tấn.
Có được kết quả này nhờ sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa Mùa và lúa Thu Đông và thu hoạch lúa Hè Thu, chú trọng giải quyết tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
Bộ cũng tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng, hỗ trợ và khuyến khích ngư dân tích cực bám biển và nghiêm túc thực hiện các quy định về IUU. Tình hình chăn nuôi lợn khả quan do giá thịt lợn hơi trong tháng có xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định.
Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 6,52 tỷ USD, giảm 29,2%; châu Âu đạt 3,29 tỷ USD, giảm 13,3%; châu Phi đạt 573 triệu USD, tăng 14,1%; châu Đại Dương đạt 408 triệu USD, giảm 25,6%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.
Phối hợp các giải pháp tổng thể
Về trồng trọt, Bộ NN&PTNT đề nghị theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023 và nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi.
Về chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung. Xây dựng bản đồ dịch tễ, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và tăng cường năng lực xét nghiệm.
Về thuỷ sản, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển, kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU.
Về lâm nghiệp, chỉ đạo, đôn đốc hệ thống kiểm lâm cả nước thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Triển khai tín chỉ carbon rừng khu vực Bắc Trung Bộ.
Về đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu.
Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu.