Xuất khẩu viên nén gỗ có thể đạt mức cao nhất trong nửa thập kỷ

Gỗ Việt nAM
16:13 - 19/09/2022
Xuất khẩu viên nén gỗ có thể đạt mức cao nhất trong nửa thập kỷ
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dự báo năm 2022 giá trị xuất khẩu viên nén gỗ có thể đạt khoảng 700 triệu USD. Nếu đạt được con số này, đây sẽ là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam – Thực trạng và một số khía cạnh chính sách” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp soạn thảo, hiện Việt Nam là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới. Đây cũng là một trong những mặt xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.

Báo cáo dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu viên nén gỗ đã tăng từ 165 triệu USD (năm 2017) lên 413 triệu USD (năm 2021), tương ứng gấp gần 2,5 lần. 6 tháng đầu năm 2022, lượng xuất khẩu viên nén đã đạt mức 354 triệu USD, tương ứng đạt trị giá hơn 85% tổng kim ngạch trong năm 2021. Lượng xuất khẩu cũng đạt 2,3 triệu tấn, tương ứng đạt 67% tổng lượng viên nén xuất khẩu của năm 2021.

Nếu đà tăng trưởng được duy trì kim ngạch xuất khẩu viên nén năm 2022 có thể đạt 700 triệu USD.

Trong tương lai, viên nén có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng mạnh do EU đang mất nguồn cung khí đốt từ Nga (tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine). Cầu về lượng và mức giá trên một đơn vị sản phẩm đều tăng, giá dăm xuất khẩu tăng cao. Điều này đã kéo theo nguyên liệu cho viên nén gỗ tăng.

Trước tình hình này, giá xuất khẩu bình quân viên nén của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng vọt lên mức 150 USD/tấn (giá xuất khẩu bình quân năm 2021 và 2020 lần lượt đạt 117 USD/tấn và 109 USD/tấn).

Về thị trường xuất khẩu, gần 100% lượng viên nén gỗ của Việt Nam được xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước năm 2018, Hàn Quốc là thị trường chính. Sau năm 2018, cùng với nhu cầu nhập khẩu lớn, Nhật Bản đã trở thành một trong hai quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2019 - 2021 thị trường Nhật Bản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên 90%. Chính vì vậy, báo cáo dự báo năm 2022 xuất khẩu viên nén của Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt xấp xỉ với Hàn Quốc.

Trị giá xuất khẩu viên nén gỗ sang các thị trường các năm. Ảnh: Trích xuất từ báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam – Thực trạng và một số khía cạnh chính sách”

Trị giá xuất khẩu viên nén gỗ sang các thị trường các năm. Ảnh: Trích xuất từ báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam – Thực trạng và một số khía cạnh chính sách”

Lượng xuất khẩu viên nén gỗ sang các thị trường các năm. Ảnh: Trích xuất từ báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam – Thực trạng và một số khía cạnh chính sách”

Lượng xuất khẩu viên nén gỗ sang các thị trường các năm. Ảnh: Trích xuất từ báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam – Thực trạng và một số khía cạnh chính sách”

Trước sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ cũng tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu viên nén tăng từ 77 doanh nghiệp vào năm 2019 lên 81 doanh nghiệp trong tháng 6/2022 (chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô dưới 50.000 tấn).

Hiện nay, trước bối cảnh thiếu nguyên liệu đầu vào, một số doanh nghiệp sản xuất viên nén đang phải sử dụng nguyên liệu “tạp” hơn và mở rộng mạng lưới thu mua. Đây được coi là giải pháp ngắn hạn cho các doanh nghiệp đã có hợp đồng ký kết trước đó. Tuy nhiên, giải pháp ngắn hạn trên sẽ tiềm ẩn một số rủi ro trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng, bao gồm nguyên liệu có liên quan đến các hoạt động gây thiệt hại rừng.

Trước thực trạng này, theo báo cáo cho rằng các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cần tạo ra các vùng nguyên liệu riêng để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp có thể tạo và phát triển vùng nguyên liệu thông qua việc liên kết với các hộ dân, công ty lâm nghiệp có quỹ đất sản xuất.

Mặt khác, các thị trường lớn đang dần tiến tới yêu cầu các viên nén có nguyên liệu có chứng chỉ bền vững. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và chuẩn bị cho việc đáp ứng các đòi hỏi này của thị trường trong tương lai.

Về tổng thể, nhu cầu tiêu thụ viên nén tại thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai. Tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, phía Hàn Quốc và Nhật Bản dự báo tiếp tục tăng nhu cầu sử dụng viên nén do đang thực hiện việc chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối.

Trong khi đó, tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, chính phủ quốc gia này cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, dự báo nhu cầu viên nén cũng sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Về dài hạn, mặc dù hiện lượng viên nén sản xuất của Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu nhưng theo báo cáo, hiện một số doanh nghiệp tại Việt Nam đang cân nhắc khả năng đầu tư sản xuất điện sinh khối có sử dụng viên nén đầu vào. Phía chính phủ cũng đang nỗ lực chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh sang các mô hình phát thải thấp, nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong tương lai, nếu chính phủ khuyến khích ưu tiên việc chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sinh khối, ngành viên nén của Việt Nam có khả năng phát triển mạnh mẽ tại thị trường nội địa.

Về thuế suất, hiện cơ quan tư vấn thuế của chính phủ đề xuất mức thuế 5% hoặc 10% đối với thuế xuất khẩu đối với mặt hàng viên nén. Phía cơ quan này cho rằng, viên nén sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào và không qua chế biến sâu nên cần được hạn chế xuất khẩu, giữ lại nguyên liệu trong nước.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Phía hiệp hội và các bên phản đối cho rằng, nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là từ nguồn phế phụ phẩm của ngành chế biến gỗ. Việc áp dụng thuế tại thời điểm hiện tại không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm trồng rừng và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ.

Chính phủ có thể áp dụng thuế xuất khẩu trong tương lai nếu chính phủ có kế hoạch chuyển đổi nguồn năng lượng điện than trong nước sang nguồn năng lượng sinh học sử dụng viên nén. Tuy nhiên, nếu thuế được áp dụng, chính phủ cần đưa ra các cơ chế chính sách nhằm đảm bảo giá viên nén tiêu thụ nội địa có thể cạnh tranh được với giá xuất khẩu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các thua thiệt cho các doanh nghiệp trong ngành.

Tin liên quan

Đọc tiếp