3 trọng điểm JICA tập trung hỗ trợ Việt Nam thời gian tới

ODA NHẬT BẢN
09:36 - 08/03/2023
Chủ tịch JICA, ông Tanaka Akihiko (ngồi giữa)
Chủ tịch JICA, ông Tanaka Akihiko (ngồi giữa)
0:00 / 0:00
0:00
Ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất 3 trọng điểm sẽ tăng cường hợp tác, để Việt Nam vận dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản vào phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Tăng cường ODA về cơ sở hạ tầng cho Việt Nam về lĩnh vực công nghệ, giao thông vận tải là một trong các trọng tâm hợp tác Việt - Nhật thời gian tới. Tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản ngày 7/3, ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA cũng chia sẻ, từ năm 1992 khi Nhật Bản mở lại ODA với Việt Nam cho đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có nhiều tăng trưởng, đang tiến dần đến nước thu nhập trung bình cao.

Trong thời gian tới, theo ông Tanaka Akihiko, có 3 điểm mà JICA có thể đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam trong phát huy hợp tác vận dụng nguồn vốn ODA.

Điểm đầu tiên mà Chủ tịch JICA đề cập tới là xây dựng quốc gia xanh. Sau đại dịch, các quốc gia đã chứng kiến sự thay đổi của dịch chuyển chuỗi cung ứng, trong đó tăng cường kết nối Việt Nam – Nhật Bản.

JICA sẽ tập trung các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông giảm khí thải, ùn tắc. Hoạt động của JICA sẽ là chất xúc tác thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam.

Về các hợp tác y tế, theo ông Tanaka Akihiko, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành công trong hợp tác của JICA về lĩnh vực này. Việc hợp tác xây dựng năng lực phục hồi cao của các địa phương trước thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ là trọng tâm hợp tác của JICA tại Việt Nam thời gian tới.

Đặc biệt, việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ là mục tiêu quan trọng mà JICA chú trọng trong hợp tác Việt Nhật.

"Quan hệ Việt - Nhật chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Việt Nam ngày càng được đánh giá cao trên trường quốc tế. Chúng ta cần thiết tăng cường hơn nữa tình bạn tin cậy, JICA sẽ nỗ lực hết sức mình để làm sâu sắc hơn tình thân giữa hai nước”.

Ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA

ODA Nhật Bản gián tiếp giúp Việt Nam thu hút FDI

Đồng quan điểm hai bên còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sau hơn 30 năm, kể từ năm 1992 đến nay, với trên 2.700 tỷ Yên ODA vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam.

ODA Nhật Bản trở thành yếu tố gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản đến Việt Nam.

“Bởi đặc trưng ODA Nhật Bản là được sử dụng cho các dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn trong các lĩnh vực quan trọng như phát điện, cấp thoát nước, giao thông vận tải, qua đó cải thiện hạ tầng kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích.

Bên cạnh đó, ODA Nhật Bản còn góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam; trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần xoá đói giảm nghèo.

"ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. ODA Nhật Bản trong thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, đã tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi của Việt Nam trong giai đoạn tới khá tương đồng với chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản. Trong khi đó, các loại hình cung cấp ODA của Nhật Bản đa dạng như vốn vay, viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật, cung cấp ODA qua bên thứ ba… phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của Việt Nam.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là để triển khai có hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, hai nước cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác phát triển ODA.

Cùng với đó, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm các vướng mắc đối với một số dự án sử dụng ODA của Nhật Bản đang triển khai tại Việt Nam.

“Phía Việt Nam cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét, cung cấp những khoản vay lớn, tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho những dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và y tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị.

Ngày 6/3, ông Tanaka Akihiko bắt đầu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị Chủ tịch JICA kể từ khi nhậm chức và hội đàm với Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hà Nội.

Chủ tịch JICA đã nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)" nhằm mục đích duy trì và củng cố trật tự quốc tế.

Đồng thời, ông Tanaka Akihiko cũng bày tỏ mong muốn hợp tác xây dựng cơ sở mới Trường Đại học Việt Nhật, để tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cùng lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành.

Tán thành đề xuất của JICA, Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai mong muốn thúc đẩy các hoạt động hợp tác kịp thời nhằm củng cố mối quan hệ hai nước Nhật Bản - Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch JICA khẳng định JICA sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao những đóng góp của JICA cho Việt Nam thông qua tài trợ ODA, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong thời gian tới, thông qua hình thức hợp tác công tư và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực là động lực phát triển của hai nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp