476.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 5, gần gấp đôi kỷ lục cũ

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
21:43 - 08/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 5, số tài khoán chứng khoán cá nhân mở mới lập kỷ lục 476.332, gấp đôi so với tháng 4. Con số này cũng cao hơn 76% so với kỷ lục cũ là 270.011 tài khoản hồi tháng 3.

Đó là số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) vừa công bố. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và thấp hơn 10% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.

Còn lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước tháng 5 đạt 123, giảm 23% so với tháng trước. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 5 đạt hơn 5,65 triệu, tương đương hơn 5,7% dân số.

Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nước ngoài là 256, giảm 27% so với tháng 4. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 298 tài khoản chứng khoán, giảm 9,4%. Lượng tài khoản chứng khoán của tổ chức nước ngoài giảm từ 4.220 đơn vị xuống 4.178 đơn vị (giảm 42 đơn vị) do lượng đóng tài khoản nhiều hơn mở mới. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 5 đạt 41.118.

Mặc dù thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 đến nay không suôn sẻ nhưng số tài khoản cá nhân mở mới vẫn liên tục lập kỷ lục mới. Trong tháng 4, khi thị trường “đỏ lửa” với thanh khoản giảm sút phân nửa, số tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới vẫn đạt con số 230.000, trong khi tháng 3 là hơn 270.000 tài khoản.

Trong báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam vừa cập nhật, quỹ đầu tư SGI Capital cho rằng, thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 5 đã có biến động rất mạnh khi S&P 500 giảm chạm ngưỡng -20% từ đỉnh trước khi phục hồi một phần vào cuối tháng, đưa định giá định giá P/E forward về mức trung bình 10 năm là 17.x. Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Châu Âu cũng ổn định vào cuối tháng 5, một phần nhờ thông tin gói kích thích kinh tế và thông tin dỡ bỏ phong tỏa tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, vào giữa tháng 5 vừa qua, VN-Index đã -24% chỉ sau 6 tuần, đưa Việt Nam vào top 3 thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong 2022 chỉ sau Hungary và Nga. Trên nền tảng vĩ mô ổn định, triển vọng tăng trưởng cao của doanh nghiệp, với định giá rất hợp lý, đợt giảm kỷ lục này là hiệu ứng cộng hưởng từ nhiều lý do cả trong và ngoài nước. Nhưng áp lực lớn nhất là dòng tiền ngắn hạn rút mạnh khỏi thị trường do ảnh hưởng từ việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động thao túng thị trường chứng khoán.

Lạc quan với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cùng với đà phục hồi kinh tế, SGI Capital định giá P/E của thị trường hiện tại là 13.8 và sẽ là 12.5 nếu tính tới cuối năm. Và đợt suy giảm này của thị trường đã mang tới một cơ hội đầu tư với mức định giá rẻ hơn 95%, tính trong 5 năm trở lại đây.

Việt Nam cũng là thị trường hiếm hoi nhận được dòng tiền nước ngoài mua ròng mạnh mẽ trong hai tháng qua, ngược chiều với áp lực rút vốn khỏi nhiều thị trường khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo SGI Capital, nền tảng vĩ mô vững chắc và triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam cùng những chính sách giúp thị trường minh bạch hơn chính là điều kiện cần cho thị trường vốn phát triển hiệu quả, hấp dẫn các dòng vốn lớn tiếp tục tìm đến.

Tin liên quan

Đọc tiếp