90% các cơ quan tại Việt Nam đã xử lý công việc trên môi trường điện tử

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
16:47 - 25/02/2023
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại hội nghị. Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại hội nghị. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngày 25/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, hiện có tới 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử và 70% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng nêu rõ, thời gian qua Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường hoàn thiện thể chế về gửi nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, cũng như chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Công tác gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử đã đạt một số kết quả nhất định. Đặc biệt, có 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử ở 4 cấp hành chính; các hội nghị, cuộc họp trực tuyến và báo cáo điện tử. Trung bình hàng tháng có 550.000 văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

"Tất cả quá trình xử lý hồ sơ, công việc, báo cáo của cán bộ, công chức phải được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc này không chỉ giúp hình thành công chức điện tử, mà còn là giải pháp tốt nhất để xây dựng, làm sạch, làm giàu và bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của dữ liệu", ông Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Vẫn còn đó những khó khăn

Bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu tham gia hội nghị cũng đánh giá thẳng thắn, khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đồng thời chỉ ra những tồn tại, điểm nghẽn.

Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Trên thực tế, công tác chuyển đổi số vẫn còn tồn tại hạn chế chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa phát huy được nhân tố con người (bao gồm cả cán bộ, công chức và phía người dân, doanh nghiệp) với vai trò là trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số.

Không chỉ vậy, công tác xây dựng dữ liệu còn chậm, chất lượng dữ liệu còn nhiều hạn chế, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu về "có dữ liệu, nhất là dữ liệu phải đúng, đủ, sạch, sống". Trong khi, dữ liệu được xem là một tài nguyên chiến lược của kỷ nguyên số.

Cùng với đó, tính dẫn dắt của cải cách nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị của các dữ liệu đã có phục vụ chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm triển khai.

Ảnh tác giả

Năm 2022, mới chỉ có khoảng 1% hồ sơ thủ tục hành chính có tái sử dụng thông tin, giấy tờ đã có trong các cơ sở dữ liệu để cắt giảm khai báo thông tin, cung cấp giấy tờ của người dân...Như vậy là còn rất thấp!

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Ngoài ra, việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng triển khai theo yêu cầu mới.

Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ lấy ví dụ về việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đến nay chưa hoàn thành do còn 20 bộ, ngành và 3 địa phương chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin.

Dữ liệu số là nhiệm vụ trọng tâm

Nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bền vững và thực chất thì dữ liệu số được xem là một yếu tố then chốt. Trên cơ sở đó, chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới".

Trình bày tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết, các hoạt động trọng tâm của Ủy ban quốc gia và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp sẽ xoay quanh chủ đề chung của năm 2023 là dữ liệu số.

Theo đó, 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thời gian tới bao gồm phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; và nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh từ khoá "nền tảng số" và lưu ý rằng, để dữ liệu có thể liên thông, kết nối liền mạch và khai thác dữ liệu được dễ dàng thì cần phải có các nền tảng số được sử dụng thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi quốc gia và trong phạm vi mỗi địa phương.

Nhấn mạnh quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng số là một phần cứng, một phần mềm, một đơn vị vận hành nhưng dùng chung cho toàn quốc, toàn ngành, toàn địa phương. Bởi vậy, người đứng đầu các bộ, ngành trung ương, địa phương phải là người quyết định, chỉ đạo, thực thi triển khai các nền tảng số.

Năm 2023, mỗi đồng chí Bộ trưởng, mỗi đồng chí Chủ tịch xác định một số nền tảng số quan trọng nhất, giải quyết vấn đề, nỗi đau quan trọng nhất của ngành mình, địa phương mình để triển khai. Quyết tâm chính trị của người đứng đầu là yếu tố quyết định của chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số để mua, bán, học, làm việc và sử dụng các dịch vụ công để hình thành nên công dân số. Ngoài ra, việc thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, bản, tổ dân phố để có thể đến từng hộ gia đình "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hướng dẫn sử dụng nền tảng số là cách tiếp cận rất Việt Nam.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.