Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán cập nhật ngày 13/10, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, hầu hết các thị trường châu Á đều giảm trong tháng 9, cùng nhịp với thị trường toàn cầu. Đặc biệt là thị trường Mỹ giảm mạnh do số liệu CPI cho thấy lạm phát đã sâu và rộng hơn dự kiến, Fed tiếp tục tăng lãi suất với mức tăng 75 điểm cơ bản nữa để kiềm chế lạm phát.
P/E trung bình của khu vực thị trường ASEAN giảm xuống 14,3 so với 15,3 của tháng trước, trong khi VN-Index giảm sâu hơn từ 13,7 xuống 12,2 đưa định giá về mức hấp dẫn hơn so với các thị trường ngang hàng. Điều này đem đến mức giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt. Ước tính của ACBS cho thấy P/E dự phóng của VN-Index là 10,9 dựa trên mức tăng trưởng thu nhập ước tính là 20,4% cho năm 2022.
ROE hiện tại của VN-Index (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE) khoảng 15,4%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi trong nhóm cao hàng đầu thế giới.
Với mức tăng EPS (lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết) dự kiến của ACBS là 20,4% cho năm 2022, tỷ suất sinh lợi kép dự kiến cho giai đoạn 2020-2022 của VN-Index sẽ đạt khoảng 17,9%, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua cơn bão đại dịch rất tốt so với các nước cùng khu vực.
Cùng với P/E kỳ vọng ở mức 10,9, thị trường Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn so với các thị trường ngang hàng.
Lịch sử định giá của VN-Index. |
Trong ngắn hạn, ACBS cho rằng thị trường sẽ còn biến động mạnh và tâm lý bi quan vẫn tồn tại khi tình trạng bất ổn vĩ mô toàn cầu tiếp tục chi phối tâm trí nhà đầu tư. Việc lấy lại xu hướng tăng mạnh của thị trường sẽ là một thách thức trừ khi có một chất xúc tác mạnh.
Trong kịch bản cơ sở, với EPS tăng trưởng 20,4% vào cuối năm 2022 nhờ các ngành ngân hàng, vận tải, bất động sản và tiện ích, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể khởi sắc trong quý cuối cùng của năm. Tuy nhiên để đạt được mức định giá trung bình ba năm gần đây khoảng 15,5 lần sẽ là một thách thức. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ giao dịch trong phạm vi tương ứng với các giai đoạn lãi suất tăng, quanh mức 1.250 điểm.
Ở kịch bản lạc quan, ACBS kỳ vọng chỉ số đạt mức 1.300-1.400 điểm. Điều này dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên thế giới, kết hợp với hiệu ứng tích cực từ gói tài chính tiền tệ của Việt Nam giúp cho thu nhập doanh nghiệp vượt kỳ vọng.
Tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn vào cuối năm khi các vấn đề thế giới và trong nước được giải quyết hoặc có dấu hiệu đáng kể cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Tuy nhiên, năm 2022 sắp kết thúc, kịch bản này có vẻ khó xảy ra do tâm lý nhà đầu tư vẫn bi quan trong khi không có nhiều chất xúc tác cho một sự thay đổi đáng kể.
Trong kịch bản bi quan, sự bất ổn tiếp tục bao trùm các thị trường toàn cầu với những lo ngại về lạm phát tăng mạnh, các ngân hàng trung ương trên thế giới “diều hâu” hơn, lo ngại ngày càng tăng về suy thoái toàn cầu và sự suy thoái ở Trung Quốc tiếp tục làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này sẽ dẫn đến thu nhập của các doanh nghiệp giảm so với kỳ vọng. Trong kịch bản này, chỉ số sẽ chật vật để tăng điểm vào cuối năm và khả năng kết thúc năm quanh mốc 1.000 điểm.
Định giá VN-Index so với các chỉ số trên thế giới. |
Về luận điểm đầu tư, ACBS đánh giá các ngành có triển vọng tích cực cả trong ngắn hạn và dài hạn là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, bán lẻ, logistics, hàng không, điện và nước. Cụ thể:
Ngân hàng: NHNN tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, có thể có thêm một đợt nới hạn mức tín dụng khoảng 2% vào cuối năm. Lãi suất huy động đã tăng khoảng 1% kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng. Điều này giúp NIM của các ngân hàng sẽ được giữ ở mức tương đương năm 2021. Với việc các ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong năm 2021, áp lực trích lập dự phòng sẽ giảm đi đáng kể và tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022.
Hạn mức tín dụng do ACBS ước tính cho các ngân hàng. |
Bất động sản khu công nghiệp: Nhu cầu ổn định, đặc biệt là từ việc mở rộng/di dời nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia. Dự kiến nguồn cung ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam nhờ cơ sở hạ tầng phát triển. Giá thuê sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Lo ngại về lạm phát có thể thúc đẩy hoạt động đầu cơ tài sản và làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thủy sản: Lạm phát cao tại các nền kinh tế lớn góp phần làm giảm tiêu thụ mặt hàng tôm, có giá bán cao hơn các mặt hàng thủy sản khác. Thời điểm cuối năm với các mùa lễ Tết cũng như kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại trong tháng 10 sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tôm.
Sự gián đoạn nguồn cung do chiếc lược Zero Covid tại Trung Quốc và căng thẳng Nga - Ukraine có lợi cho xuất khẩu cá tra Việt Nam. Lạm phát tăng tại các nước cũng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm giá thấp như cá tra. Giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại trong tháng 9, tăng 35% so với cùng kỳ 2021. Đây là một lợi thế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn có tỷ lệ tự chủ nguồn cung cao và khả năng đàm phán giá tốt.
Bán lẻ: Đối với những tháng còn lại của năm 2022, ACBS kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước cùng với chi tiêu của khách nước ngoài do các hoạt động du lịch phục hồi. Tuy vậy, nếu áp lực lạm phát tăng đáng kể trong nửa sau của năm có thể ảnh hưởng đến sức mua của một số nhóm ngành.
Triển vọng dài hạn được hỗ trợ bởi các yếu tố như nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn, tầng lớp trung lưu mở rộng.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam (nghìn người). |
Logistics: Hoạt động xuất khẩu trở lại tăng trưởng mạnh trong tháng 8 ở mức 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực trong nước tăng trưởng cao hơn với +26,5% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 20,6%.
Tăng trưởng hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2022 do thị trường xuất khẩu chính của hàng Việt Nam (EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc) đang chịu lạm phát cao, rủi ro suy thoái và kéo dài thời gian kiểm dịch tại Trung Quốc. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang vẫn được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu của Bộ Công thương cho năm 2022 với giá trị khoảng 358 tỷ USD.
Dù đang đối mặt với vấn đề khan hiếm container nhưng vận tải biển của Việt Nam vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng ở mức 2% như năm 2021 về sản lượng khi nhiều hãng tàu cung cấp số lượng lớn container khô cho Việt Nam đã được mở cửa trở lại sau một thời gian dài bị đình trệ.
Hàng không: Lạm phát cao ở các nền kinh tế khách có thể làm hạn chế các chi tiêu xa xỉ như du lịch, lý giải lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trong tháng 8. Lượng hàng hóa nội địa phục hồi trong tháng 9 và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những tháng cuối năm.
Điện và nước: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NCFHMF), La Nina được dự báo sẽ có tác động lâu hơn, góp phần tích cực vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm thủy điện trong nửa cuối năm 2022.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, nhiều dự án khí đã được triển khai như Nhơn Trạch 3 & 4, Long Sơn và Quảng Ninh, điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường chuyển đổi mô hình năng lượng nhằm giảm lượng khí thải carbon và thân thiện hơn với môi trường. Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện khí làm nguồn điện chạy nền thế cho nhiệt điện than làm bước đệm cho phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với các nhóm ngành còn lại, ACBS đánh giá trung lập với nhóm dầu khí, dược phẩm, bất động sản bán lẻ và nghỉ dưỡng, chứng khoán, bảo hiểm. Ngành dệt may trung lập trong ngắn hạn và tích cực trong dài hạn. Ngành vật liệu xây dựng tiêu cực trong ngắn hạn và trung lập trong dài hạn. Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trung lập trong ngắn hạn và tích cực trong dài hạn.
Một ngành ACBS nhận định tiêu cực trong cả ngắn hạn và dài hạn là bất động sản nhà ở. Thách thức chính của ngành này là siết tín dụng, lãi suất tăng, giá nguyên vật liệu xây dựng cao, quá trình phê duyệt dự án chậm, lo ngại về lạm phát và suy thoái có thể thúc đẩy hoạt động đầu cơ và làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên vẫn có các yếu tố hỗ trợ trong dài hạn là xây dựng/phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, lãi suất ổn định, tầng lớp thu nhập trung bình tăng, tốc độ đô thị hóa cao…