Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo tổng quan về thị trường chứng khoán tháng 10/2024 của Chứng khoán Nhất Việt (VFS), trong tháng vừa qua, VN-Index giao dịch khá ảm đạm với diễn biến chủ đạo là giảm điểm. Dòng tiền vẫn chưa chuyển sang trạng thái chủ động cao, phần lớn là chờ mua ở giá thấp. Sau 2 lần chạm đến vùng 1.300 không thành công trong tháng 10, VN-Index đóng phiên kết tháng tại vùng 1.260 điểm, tiếp tục nằm trong xu hướng đi ngang với vùng hỗ trợ là 1.250 và kháng cự là 1.300.
Giá trị giao dịch tháng 10 đạt 335.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với trung bình các tháng đầu năm. Dù lực bán đã không còn quá lớn nhưng cùng với đó là lực cầu yếu ớt. Nước ngoài sau khi giảm đà bán trong tháng 9 thì tháng 10 lại quay lại bán ròng hơn 8.000 tỷ đồng.
VFS cho rằng, thị trường đang trong vùng trũng thông tin. Sự kiện quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại chính là mùa ra báo cáo tài chính quý 3/2024, tuy nhiên kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp mặc dù không quá xấu nhưng cũng không tích cực, chưa đủ để thu hút dòng tiền quay trở lại.
Theo đơn vị phân tích, tháng 11 sẽ có 2 sự kiện quan trọng bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 và quyết định lãi suất của Fed vào ngày 8/11. Đây là 2 sự kiện có thể có tác động khá mạnh đến triển vọng và xu hướng chung của thế giới trong thời gian sắp tới.
VFS dự báo 2 kịch bản thị trường. Một là VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang biên rộng quanh 1.250 – 1.300 điểm. Hai là VN-Index bật lên vượt 1.300 điểm.
Theo công cụ Fedwatch, xác suất Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tiếp tục tăng lên, ở mức 94% tính đến ngày 29/10/2024. Tuy nhiên, nếu Fed bất ngờ hoãn giảm lãi suất trong cuộc họp lần này, các thị trường có thể phản ứng khó lường. Trong trường hợp Fed tiếp tục giảm lãi suất, sức ép lên tỷ giá có thể sẽ giảm bớt. |
Xu hướng tích lũy kéo dài chưa cải thiện
Trong báo cáo phát hành ngày 1/11, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, trong xu hướng ngắn hạn, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.245 điểm - 1.255 điểm - vùng giá cao nhất năm 2023, và kháng cự gần nhất quanh 1.270 điểm.
Xu hướng trung hạn, chỉ số tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng giá 1.300 điểm. Trong đó vùng giá 1.300 điểm là vùng kháng cự rất mạnh, tương ứng vùng giá cao nhất từ đầu năm 2024 và đỉnh giá tháng 6 - 8/2022. Thị trường chỉ vượt qua các vùng kháng cự này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Đồng thời các yếu tố bất định như căng thẳng địa chính trị thế giới hạ nhiệt.
Theo SHS, VN-Index đã có 8-9 tháng biến động trong biên độ hẹp. Xu hướng tích lũy kéo dài đến nay chưa xác nhận cải thiện. Chỉ số cần giữ được vùng hỗ trợ quan trọng, tâm lý mạnh 1250 điểm - đường giá trung bình 200 phiên, vượt lên kháng cự mạnh 1.265 - 1.270, thì mới có thể cải thiện.
Trong bối cảnh khoảng trống thông tin sau báo cáo quý 3 và bầu cữ Mỹ sắp diễn ra, thanh khoản thị trường kém, SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức hợp lý.
TTCK thường có chu kỳ tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn tháng 11 kéo dài cho đến tháng 3 năm kế tiếp, khi thời gian này là cao điểm công bố các thông tin về kinh tế vĩ mô, kết quả hoạt động và kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp. Trong hai năm gần nhất là 2022 và 2023, chỉ số VN-Index đã tạo đáy trong tháng 11 và khởi đầu cho chuỗi phục hồi mạnh mẽ sau đó. Nhìn xa hơn, từ năm 2000-2023, chỉ số VN-Index tăng bình quân 2,3% trong tháng 11, là tháng có mức tăng cao thứ ba trong năm. |
Sửa Luật Chứng khoán: Bổ sung nhiều quy định nhằm thúc đẩy thị trường |
VinaCapital: Những yếu tố có lợi cho TTCK năm 2025 |
Rổ VN30 đua nhau báo lãi bằng lần, vẫn có 5 doanh nghiệp đi lùi |