Ngày 11/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO), trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 được nâng lên 6,4%, cao hơn mức 6,0% dự kiến trước đó, và năm 2025 dự kiến đạt 6,6%, tăng so với mức 6,2%.
Những con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, được thúc đẩy bởi các yếu tố chính như hoạt động thương mại mạnh mẽ khi xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ở lĩnh vực đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai đồng bộ, tạo động lực cho các ngành công nghiệp liên quan. Cùng với đó, hỗ trợ chính sách hiệu quả hơn khi các biện pháp tài khóa và tiền tệ đã giúp kích thích cầu nội địa và ổn định nền kinh tế trong bối cảnh áp lực bên ngoài gia tăng.
Cũng theo ADB nhận định, Việt Nam đang cho thấy khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chính sách của chính quyền mới Hoa Kỳ tác động tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Cùng với Việt Nam, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á trong năm nay cũng được ADB nâng lên 4,7%, từ dự báo trước đó là 4,5%, nhờ xuất khẩu hàng chế tạo và chi tiêu đầu tư công mạnh hơn. Dự báo cho năm 2025 được giữ nguyên ở mức 4,7%.
Với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế được ADB đánh giá sẽ vẫn ổn định trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ dưới thời ông Donald Trump sắp tới có khả năng tác động tới triển vọng dài hạn của khu vực.
Các nền kinh tế đang phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng 4,9% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với dự báo 5% của ADB hồi tháng 9. Dự báo tăng trưởng năm tới giảm từ 4,9% xuống còn 4,8%, chủ yếu do triển vọng yếu hơn của nhu cầu trong nước ở Nam Á. Dự báo lạm phát của khu vực giảm từ 2,8% xuống 2,7% trong năm nay và giảm từ 2,9% xuống 2,6% vào năm tới, một phần là do giá dầu dự kiến sẽ giảm nhẹ.
Ông Albert Park, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, nhận định nhu cầu trong nước và xuất khẩu tổng thể mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực này. Tuy nhiên, những chính sách dự kiến được chính quyền mới của Hoa Kỳ triển khai có thể làm chậm đà tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát ở mức độ nhất định tại Trung Quốc, nhiều khả năng diễn ra sau năm tới, đồng thời tác động tới các nền kinh tế khác ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo kịch bản rủi ro cao, ADB dự báo những thay đổi chính sách mạnh mẽ của Hoa Kỳ có thể làm giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 4 năm tới ở mức lũy kế 0,5 điểm phần trăm. Thuế quan trên diện rộng có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư quốc tế, dẫn tới sự dịch chuyển sang sản xuất trong nước tốn kém hơn.
Đồng thời, việc siết chặt nhập cư có thể làm giảm nguồn cung lao động của Hoa Kỳ. Kết hợp với lập trường chính sách tài khóa có khả năng mở rộng hơn dưới thời chính quyền Trump sắp tới, thuế quan và giảm nhập cư có thể khơi lại áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ.
Trong ngắn hạn, triển vọng của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực vẫn tương đối ổn định. Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc được giữ nguyên ở mức 4,8% trong năm nay và 4,5% vào năm tới. Triển vọng của Ấn Độ được điều chỉnh giảm từ 7% xuống còn 6,5% trong năm nay và từ 7,2% xuống 7% vào năm tới, do tăng trưởng đầu tư tư nhân và nhu cầu nhà ở thấp hơn dự kiến.
Chuyên gia ADB cũng lưu ý, ngoài sự không chắc chắn xung quanh những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng và lạm phát của châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển bao gồm căng thẳng địa chính trị leo thang cũng như tính dễ đổ vỡ của thị trường bất động sản tiếp diễn ở Trung Quốc.