Hiện trường vụ sập đường hầm cao tốc tại bang Uttarakhand, Ấn Độ, ngày 28/11. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, sau nhiều lần bị cản trở, chiến dịch giải cứu 41 công nhân Ấn Độ được cho là sẽ “sớm” có bước đột phá khi các kỹ sư quân sự và các thợ mỏ lành nghề để thực hiện phương pháp khoan, đào bằng tay xuyên qua đống đổ nát cuối cùng để tiến về phía những công nhân bị mắc kẹt trong hầm.
Thống đốc bang Uttarakhan Pushkar Singh Dhami nói với các phóng viên ở hiện trường rằng họ còn cách 41 công nhân trong hầm bởi một đống đổ nát khoảng 5 mét.
“Lối thoát hiểm đã được chuẩn bị dài tới 52 mét bên trong đường hầm và lối đi sẽ xuyên qua ở độ sâu 57 mét. Hoạt động giải cứu dự kiến sẽ sớm hoàn thành”, ông Dhami nói. Tuy nhiên, ông không đưa ra khung thời gian có thể hoàn thành chiến dịch giải cứu.
Hoạt động cứu hộ các công nhân vẫn tiếp tục diễn ra vào buổi tối, ngày 27/11. Ảnh: Reuters |
Chuyên gia về đường hầm Chris Cooper, người đang tư vấn cho các đội cứu hộ, hôm 27/11 cho biết ông lạc quan rằng họ sẽ vượt qua được đống đổ nát. “Điều đó phụ thuộc vào cách mặt đất hoạt động”, ông nói với các phóng viên và nói thêm rằng đội cứu hộ có thể phải cắt xuyên qua các dầm chịu lực nặng nhằm giữ mái hầm không bị sập.
41 công nhân Ấn Độ đã mắc kẹt trong một đường hầm cao tốc đang thi công ở khu vực dãy Hymalaya, bang Uttarakhand kể từ ngày 12/11, sau khi đường hầm xảy ra vụ sập. Đường hầm này vốn là một phần của tuyến cao tốc Char Dham trị giá 1,5 tỷ USD - một trong những dự án đầy tham vọng nhất của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm kết nối 4 địa điểm hành hương của đạo Hindu thông qua mạng lưới đường bộ dài 890 km.
Lực lượng cứu hộ sửa chữa các bộ phận của máy khoan bên trong đường hầm, ngày 26/11. Ảnh: Reuters |
Chính quyền nước này chưa công bố nguyên nhân gây ra vụ sập đường hầm, nhưng khu vực này được báo cáo là thường xuyên xảy ra lở đất, động đất và lũ lụt.
Trước đó, những hy vọng của lực lượng cứu hộ về việc có thể tiếp cận được các công nhân trong hầm đã bị tiêu tan, do các mảnh vỡ rơi xuống cũng như sự cố của các máy khoan. Chính phủ Ấn Độ cũng nhiều lần cảnh báo rằng chiến dịch giải cứu có thể gặp phải “các trục trặc về kỹ thuật, địa hình dãy Himalaya đầy thách thức và các trường hợp khẩn cấp không lường trước được”.
Các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm, ngày 21/11. Ảnh: Uttarakhand Government Handout |
Ngày 21/11, Ấn Độ đã công bố những hình ảnh đầu tiên về 41 công nhân bị mắc kẹt sau vụ sập đường hầm cao tốc thông qua một camera nội soi y tế. Giới chức cho biết, mặc dù bị mắc kẹt nhưng 41 công nhân an toàn vì vẫn có nhiều không gian trong đường hầm, với khu vực bên trong cao 8,5 mét và trải dài khoảng 2 km. Họ cũng được tiếp cận với với ánh sáng, oxy, thực phẩm, nước uống và thuốc men.