AP đưa tin, ngày 1/10, tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký thứ 13 của NATO, đã kết thúc 10 năm lãnh đạo liên minh (2014-2024) và tuyên bố trao quyền cho người kế nhiệm là cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Ông Jens Stoltenberg (phải) trao quyền lãnh đạo NATO cho cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái) tại Brussels, Bỉ, ngày 1/10. Ảnh: Reuters |
“Ông Mark Rutte hiểu rõ NATO và nổi tiếng khắp khối. Ông ấy có nền tảng hoàn hảo để trở thành một Tổng thư ký tuyệt vời. Ông ấy đã từng giữ chức Thủ tướng Hà Lan trong 14 năm và lãnh đạo 4 chính phủ liên minh khác nhau. Do đó, ông ấy biết cách thỏa hiệp, tạo ra sự đồng thuận. Đây là những kỹ năng được NATO đánh giá rất cao. Vì vậy NATO sẽ được an toàn khi ông Mark Rutte nắm quyền lãnh đạo,” ông Jens Stoltenberg nói về người kế nhiệm.
Phát biểu sau khi nhậm chức, tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố sự hỗ trợ của NATO dành cho Ukraine sẽ đứng đầu trong danh sách các ưu tiên của ông. “Chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine sẽ tồn tại như một quốc gia có chủ quyền, độc lập và dân chủ,” ông nhấn mạnh.
Ông Rutte cho biết, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3, NATO cần tăng chi tiêu cho quốc phòng và củng cố quan hệ đối tác mà liên minh quân sự đã thiết lập với các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á và Trung Đông.
“Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa về phòng thủ tập thể và răn đe. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn và thu hẹp khoảng cách năng lực và cố gắng đạt được tất cả các mục tiêu mà NATO đã đặt ra ở đây,” ông Rutte nói.
Ông Jens Stoltenberg (phải) và ông Mark Rutte (trái) tại trụ sở NATO, ngày 1/10. Ảnh: Reuters |
Tân lãnh đạo NATO cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ, Canada và châu Âu. Ông đồng thời hạ thấp mối lo ngại trong liên minh về kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tại Mỹ - cường quốc chủ chốt trong NATO.
“Tôi không lo lắng. Tôi biết rất rõ cả hai ứng cử viên,” ông Rutte cho hay. “Tôi đã làm việc 4 năm với ông Donald Trump. Ông ấy là người thúc đẩy chúng ta chi tiêu nhiều hơn (cho quốc phòng), và ông ấy đã đạt được điều đó. Bởi vì thực tế là hiện tại, chúng ta đang ở mức chi tiêu cao hơn nhiều so với thời điểm ông ấy nhậm chức vào đầu năm 2017”.
“Bà Kamala Harris có thành tích tuyệt vời trong vai trò Phó Tổng thống Mỹ. Bà ấy là một nhà lãnh đạo rất được kính trọng,” ông nói. “Vì vậy, tôi sẽ có thể làm việc với cả hai, bất kể kết quả của cuộc bầu cử là gì”.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sẽ là một cuộc đua sít sao giữa ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trong đó, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã từng phàn nàn trong nhiệm kỳ của mình về chi tiêu quốc phòng thấp của các đồng minh châu Âu và Canada, đã làm suy yếu lòng tin của các nước thành viên NATO.
Điều này trở thành một một thách thức "mang tính sống còn" khi các thành viên nhỏ trong liên minh quân sự lo ngại rằng nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ tiếp tục gạt bỏ lời cam kết về an ninh của NATO, rằng tất cả các quốc gia phải hỗ trợ bất kỳ đồng minh nào gặp khó khăn.
Nhiệm vụ chính của tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte trong thời gian sắp tới được cho là tìm cách khuyến khích sự ủng hộ của các đồng minh dành cho Ukraine; tạo ra sự đồng thuận về việc tăng binh sĩ, vũ khí và chi tiêu để hiện thực hóa đầy đủ các kế hoạch phòng thủ mới.