Công nhân tại nhà máy Gent Machine, Cleveland, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Tại BCI Solutions, một xưởng đúc kim loại thuộc bang Indiana, 14 công nhân đã nghỉ việc trong 2 tuần qua. Con số này cũng tương đương với hơn 7% tổng số lao động của công ty và đồng thời là một con số chưa từng có so với thời trước đại dịch. BCI vẫn phải vật lộn với việc giữ chân người lao động, tuy nhiên công ty chưa bao giờ mất nhiều công nhân trong một khoảng thời gian ngắn như thế này.
Theo giám đốc điều hành công ty J.B. Brown, việc công nhân nghỉ việc hàng loạt là do giá xăng tăng cao đột biến sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Chính sự việc này đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu chao đảo và khiến giá năng lượng tăng vọt.
Ông Brown nhận định một khi giá xăng tăng cao, mọi người sẽ có xu hướng tìm kiếm việc làm ở gần nhà của mình hơn. Theo Cục thống kê Lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực quanh Quận Marshall chỉ dưới 1%, do đó người lao động rất dễ tìm việc làm mới.
Tuy nhiên thiếu lao động không phải là vấn đề duy nhất mà các nhà máy tại Mỹ phải đối mặt. Nhà điều hành Rich Gent của nhà máy Gent Machine tại Cleveland, Mỹ, cho biết trong vòng 5 tháng qua công ty đang làm việc với một khách hàng yêu cầu linh kiện bằng thép không gỉ cho các sản phẩm hàng hải của mình. Tuy nhiên vào đầu tuần này khi ông gọi điện cho 5 nhà cung cấp kim loại, không một ai có thể đưa ra báo giá dự tính khoảng 6500 USD / tháng mà ông cần.
Giá thép không gỉ, cũng như hầu hết các kim loại, đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch và nguồn cung vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm. Thêm vào đó, việc sản xuất thép không gỉ cần tới niken và Nga lại là nước sản xuất niken lớn trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine và nguy cơ từ lệnh cấm vận càng đẩy giá kim loại này tăng vọt trên thị trường.
Hơn nữa, chỉ có 2 trong số 5 nhà cung cấp trả lời rằng họ có thể bắt đầu giao hàng sau 2 tháng nữa với mức giá được chốt vào ngày giao hàng và vận chuyển. Trong khi đó, những nhà cung cấp còn lại thậm chí còn không thể đưa ra cam kết giao hàng. Theo ông Gent, “dự đoán tốt nhất của các nhà cung cấp là có thể giao hàng vào tháng 11”.
Trong khi đó, ông Austin Ramirez, giám đốc điều hành của Husco International, một công ty sản xuất linh kiện cho ô tô và xe địa hình, nhận định cuộc khủng hoảng tại Ukraine cho thấy rõ sự gắn kết chặt chẽ của chuỗi cung ứng và những hậu quả khó lường của việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tuy không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào liên kết với Nga hoặc Ukraine, công ty vẫn gặp phải những áp lực chưa từng có.
Theo ông Ramirez, Ukraine cung cấp gang cho châu Âu và công ty lại mua gang từ các xưởng đúc hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu gang. Ngoài ra, công ty cũng cần nhập khẩu các linh kiện mà trước đây được vận chuyển từ Trung Quốc tới châu Âu thông qua cả Nga lẫn Ukraine.
Ukraine chiếm tới 58,5% thị phần gang thỏi tại thị trường Mỹ năm 2020. Ảnh: Shutterstock |
Làn sóng gián đoạn do lạm phát xảy ra ngay khi nhiều nhà sản xuất vừa bắt đầu gỡ rối được phần nào chuỗi cung ứng và các vấn đề về lao động do đại dịch COVID-19 tạo ra. Một ví dụ cho việc này chính là lượng hàng tồn đọng tại các cảng lớn của Mỹ đã ghi nhận sự sụt giảm trong những tuần gần đây.
Vì vậy theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu tăng lãi suất một cách "cẩn thận" tại cuộc họp tháng 3 sắp tới. Nguyên nhân do cơ quan này cần phải cân bằng giữa mối đe dọa lạm phát cao và cả những rủi ro phức tạp từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà ông Powell gọi là một yếu tố có thể “thay đổi thế cục” do những hệ quả khó lường của nó. Tuy nhiên, ông cũng cho biết FED sẵn sàng đưa ra các động thái mạnh mẽ hơn nếu lạm phát không hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng.
Về phía Husco, mối quan tâm lớn nhất hiện tại với công ty là cuộc khủng hoảng tại Ukraine kết hợp với sự thiếu linh kiện bán dẫn và nhiều sự tắc nghẽn khác trong lĩnh vực logistics toàn cầu có thể trở thành một cản trở với nhu cầu. Ngày càng có nhiều khách hàng hủy đơn đặt hàng do không thể mua được các linh kiện từ các nhà cung cấp khác.
Lần đầu tiên kể từ trước đại dịch, ông Ramirez chia sẻ mình bắt đầu lo lắng về khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ông nhận định hồi đầu năm nay, mọi thứ có vẻ đã có tiến triển tích cực, trái ngược với hiện tại khi mọi thứ đều đang u ám.