Sở hữu những ưu thế nổi trội cùng tiềm lực phát triển của các doanh nghiệp xuất khẩu, ngành thủy sản năm 2024 được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu 10 tỷ USD cũng như hướng đến các mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Nhìn về bối cảnh chung, nối tiếp đà khó khăn năm ngoái, 2024 được nhìn nhận vẫn là một năm thách thức đối với ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chính trị thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến nền thương mại thế giới.
Trao đổi với Mekong ASEAN, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đối mặt nhiều thách thức như chi phí vận chuyển tăng cao, tình hình vận chuyển khó khăn bởi xung đột ở khu vực Biển Đỏ, lượng hàng tồn kho lớn, nguồn nguyên liệu trong nước thiếu ổn định, nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng cao...
Chung quan điểm, theo Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU Trần Văn Công, chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu hiện đã tăng khoảng 25 – 35% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ trắc trở hơn. Thậm chí, nhiều lô hàng còn phải chịu chi phí logistics tương đương trong thời kỳ Covid - 19.
Với thị trường Mỹ, chi phí vận chuyển quốc tế, đặc biệt là đường biển, có thể biến động mạnh do nhiều yếu tố như giá nhiên liệu, tình trạng thiếu hụt container, khó đặt được container rỗng đến cảng Việt Nam và cước tàu tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết.
Dù vậy, bất chấp những khó khăn, ngành thủy sản trong nửa đầu năm 2024 vẫn mang về những con số ấn tượng.
Theo số liệu từ VASEP, lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,28 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Các mặt hàng thủy sản chủ lực đều có kết quả tăng trưởng dương so với cùng kỳ như tôm tăng 6,9% YoY, cá tra tăng 7,7% YoY, cá ngừ tăng 21% YoY...
Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc & Hong Kong đều tăng 10% YoY, đạt trên 930 triệu USD/thị trường; xuất sang EU tăng 10% YoY, đạt hơn 600 triệu USD...
Nhìn về tình hình của từng doanh nghiệp chủ lực, các báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm của những tên tuổi lớn trong ngành đều cho thấy những gam màu sáng sủa hơn.
Với ngành tôm, “vua tôm” Minh Phú (CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, MPC) trong báo cáo 6 tháng đầu năm cho biết đã mang về 6.488 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng tới 45% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
CTCP Camimex Group (CMX) cũng tăng trưởng tới 99% YoY về doanh thu thuần hợp nhất, đạt 1.482 tỷ đồng. CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) có đà tăng trưởng tốt với +32% YoYỳ, đạt 2.703 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất.
Ở mảng cá tra, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) thu về 6.051 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 22% YoY. CTCP Nam Việt (Navico, ANV) cũng mang về 2.209 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm nhẹ 0,8% YoY trong khi CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) giảm nhẹ 0,6% YoY, đạt 3.564 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất.
Số liệu trên chứng minh một thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu lớn ngành tôm hay cá tra đều mang về doanh thu tương đối khả quan, mở ra những kỳ vọng nhất định vào sự phục hồi mạnh mẽ của các tên tuổi lớn Việt Nam trong hai ngành chủ lực nửa cuối năm 2024.
Từ phía giới quan sát, các chuyên gia cũng dự báo, nửa cuối năm 2024 sẽ là thời điểm tăng tốc của ngành thủy sản. Ông Trương Đình Hòe cho rằng, với nhu cầu về các đơn hàng phục vụ mùa lễ hội cuối năm tại các thị trường, dự kiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng còn lại của năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng so với nửa đầu năm. Nhu cầu cho các mặt hàng như cá ngừ và cá tra có thể duy trì ổn định trong những tháng tới.
“Cơ hội cho ngành tôm Việt Nam khi đối thủ là Ecuador và Ấn Độ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như việc Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhán sulfit cho tôm từ Ecuador, hay các vấn đề giả mạo tài liệu, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh vào Mỹ và các vấn đề về ngược đãi công nhân đối với tôm từ Ấn Độ," Tổng thư ký Trương Đình Hòe nhận định. (*Sulfit và dẫn xuất của nó là những chất phụ gia được sử dụng để ngăn ngừa đốm đen ở tôm)
Tại các thị trường, sự tăng trưởng về nhu cầu tiêu dùng cũng ngày càng thể hiện rõ. Ông Trương Đình Hòe cho rằng, bên cạnh sự ổn định của các thị trường khác, sự phục hồi của EU sẽ là những nhân tố quyết định việc bứt tốc xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Ví dụ như với thị trường Mỹ, có những dự báo tích cực rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2024 có thể sẽ tăng trưởng từ 7 – 9% so với năm 2023.
Ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như thủy sản, đồng thời quan tâm đến các giải pháp ăn uống nhanh chóng tiện lợi mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
“Chúng tôi cho rằng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam đẩy mạnh đơn hàng vào thị trường Mỹ khi mà kinh tế nước này phục hồi, sức mua của người tiêu dùng tăng lên, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thủy sản," ông Hưng nhận định với Mekong ASEAN.
Tại thị trường EU, báo cáo Kinh tế mùa xuân phát hành trong tháng 5/2024 đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của EU năm 2024 đạt khoảng 1%, trong khi năm 2023 chỉ đạt 0,4%. Tỷ lệ lạm phát năm nay của EU cũng chỉ còn 2,7% (năm 2023 đạt 6,4%), tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 6%.
Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, mỗi năm EU chi tiêu cho tiêu dùng khoảng 1.000 tỷ Euro, trong đó chi tiêu cho lương thực phẩm thực phẩm 12%, 7% cho dịch vụ ăn uống và khoảng 22% chi tiêu cho đồ uống...
Xu hướng tiêu dùng của người dân EU được dự báo sẽ tăng, kéo theo nhu cầu nhập khẩu các loại thực phẩm, bao gồm thủy sản phục vụ cho du lịch và cho các sự kiện cuối năm. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thực phẩm của EU cũng được dự báo sẽ tăng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh đơn hàng vào thị trường.
Nếu xét dưới góc độ từng doanh nghiệp chủ đạo trong ngành, báo cáo kinh doanh của các công ty xuất khẩu cũng đang thể hiện sự phục hồi từ các thị trường khi doanh số liên tục tăng trưởng trong các tháng gần đây.
Đơn cử, trong tháng 6/2024, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam đã ghi nhận đà tăng trưởng kim ngạch ở tất cả các thị trường. Bao gồm châu Âu tăng 31% về kim ngạch so với cùng kỳ, Trung Quốc tăng 18% YoY và Mỹ tăng 8% YoY.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn là Sao Ta có kết quả doanh thu cao nhất năm 2024 trong tháng 7/2024 với 31,25 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong thông tin công bố của Sao Ta, doanh nghiệp cho biết họ có đủ đơn hàng để có thể tăng trưởng hai con số về doanh số tiêu thụ trong năm 2024.
Năm 2022 đã từng kết thúc với sự hân hoan của ngành thủy sản khi đem về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục gần 11 tỷ USD. Với rất nhiều sự hào hứng ở thời điểm đó, ngành cũng đặt ra nhiều mục tiêu cao hơn trong các năm tiếp theo. Lúc đó, VASEP cho rằng, thủy sản có thể mạnh dạn đưa ra mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD trong tương lai.
Rồi năm 2023 trên thực tế đã khép lại với kết quả không mấy lạc quan của ngành trong bối cảnh thế giới chưa kịp gượng dậy sau đại dịch và những bất ổn chính trị khắp nơi. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm này chỉ mang về 8,97 tỷ USD, hoàn thành gần 90% so với mục tiêu 10 tỷ USD mà ngành đã đề ra trước đó.
Năm 2024, khi các nền kinh tế lớn dần phục hồi, các đơn hàng thủy sản của Việt Nam cũng tăng theo. Một mặt điều này thể hiện năng lực của doanh nghiệp, mặt khác cũng cho thấy uy tín của sản phẩm thủy sản Việt trên thị trường thế giới. Nhìn trong bức tranh dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang ghi danh trên bản đồ thủy sản quốc tế.
Với lợi thế, tiềm lực đang có, mục tiêu mang về 10 tỷ USD có thể đạt được trở lại cũng như tham vọng hướng tới 20 tỷ USD có thể được kỳ vọng nhiều hơn.
Ông Trương Đình Hòe cho rằng, Việt Nam có lợi thế về trình độ chế biến, lao động có tay nghề chuyên môn cao. Tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU…, hàng thủy sản giá trị gia tăng của Việt Nam rất được quan tâm và giữ vững thị phần.
So với các đối thủ, ngành thủy sản Việt Nam cũng có lợi thế về thuế quan khi là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP…
Theo ông Trần Văn Công, Việt Nam hiện là nước có lợi thế gần như cao nhất so với các đối thủ về mặt hàng tôm sú tại EU khi sở hữu các chứng nhận thủy sản bền vững như ASC...
Nhờ EVFTA, các mặt hàng tôm đông lạnh nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện đều được hưởng thuế suất 0%. Việt Nam cũng đang chiếm lĩnh phân khúc thủy sản tiêu dùng cao tại thị trường EU, do có có số lượng nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao, có nguồn nguyên liệu và tỷ lệ có chứng nhận bền vững lớn.
Các doanh nghiệp thủy sản còn đặc biệt chú trọng đa dạng sản phẩm chế biến, chủng loại sản phẩm, đáp ứng được nhiều phân khúc của thị trường này.
Tại thị trường Mỹ, các sản phẩm như cá tra, tôm và cá ngừ của Việt Nam nhận được sự đánh giá cao từ người tiêu dùng và nhà nhập khẩu Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào công nghệ nuôi trồng và chế biến hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, điều này giúp các sản phẩm thủy sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường Mỹ.
Một số mặt hàng thủy sản như cá tra cũng có giá cạnh tranh hơn nhờ vào chi phí sản xuất thấp và khả năng tối ưu hóa quy trình sản xuất và chế biến, giúp duy trì lợi thế trên thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp trong nước tập trung phát triển vùng nguyên liệu, tạo nguồn cung ổn định, đảm bảo cung cấp liên tục và đầy đủ cho thị trường cũng như đạt được các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế, từ đó làm tăng tính hấp dẫn và tin tưởng của người tiêu dùng Mỹ,” ông Đỗ Ngọc Hưng nói.
Và để hướng đến mục tiêu mang về kim ngạch cao hơn, các chuyên gia trong cuộc trò chuyện với Mekong ASEAN khuyến cáo các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu cần nỗ lực nhiều hơn trong cuộc đua cạnh tranh lớn trước các đối thủ, đặc biệt xây dựng cho doanh nghiệp “sức đề kháng tốt” trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động cả về chính trị lẫn kinh tế.
Thủy sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa: Navico |
Các doanh nghiệp cần quan tâm đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm thế mạnh của mình, sản phẩm theo xu thế, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp cũng cần phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường chính, tập trung nhiều hơn cho các thị trường mới, đặc biệt là hướng đến mở rộng thị trường nội địa.
Tham tán nông nghiệp Trần Văn Công lưu ý, doanh nghiệp cần có kế hoạch tập trung tốt cho các nguồn hàng đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng để xuất khẩu sang thị trường EU. Đặc biệt, doanh nghiệp thủy sản nên khai thác tối đa hạn ngạch trong EVFTA, đơn cử như Việt Nam có hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp xuất khẩu sang thị trường này.
Đồng thời, doanh nghiệp cùng với các bên liên quan cần vô cùng nỗ lực trong việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU, khắc phục chi phí logistics... EU là thị trường có nhiều phân khúc, do đó doanh nghiệp nên đẩy mạnh thâm nhập cũng như khai phá phân khúc chất lượng cao hơn.
Đối với thị trường Mỹ, quốc gia này có những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, với các tiêu chuẩn như HACCP, FDA và các quy định của USDA đối với cá tra, cá ba sa. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào chứng nhận bền vững trong nuôi trồng và chế biến thủy sản như MSC, ASC, HACCP, theo ông Đỗ Ngọc Hưng.
Doanh nghiệp cần tăng cường minh bạch trong chuỗi cung ứng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn, đóng gói tiện lợi và dễ sử dụng. Việc nắm bắt cơ hội này đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng, đầu tư vào chất lượng, bền vững và xây dựng mối quan hệ vững chắc với các đối tác thương mại của Mỹ.
Sự hiểu biết xuất sắc về xu hướng tiêu dùng, am hiểu thị trường, tuân thủ các quy định, sự đánh giá cẩn trọng về diễn biến tình hình thế giới đi cùng với chiến lược xuất khẩu phù hợp, linh hoạt hơn với diễn biến thị trường sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam hướng tới những câu chuyện thành công lớn hơn, tới mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu và cao hơn nữa, ông Trương Đình Hòe tin tưởng.