Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến tại VNGGames. |
Ngày 30/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức hội thảo nghe ý kiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết, một trong những nội dung mới của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính soạn thảo là đề nghị đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB).
Theo nhận định của Bộ Tài chính, kinh doanh game online có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu bổ sung đưa loại hình "kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng" vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.
Hội thảo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online góp ý về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Hà Anh |
Áp thuế, doanh nghiệp game Việt Nam sẽ 'thua trên sân nhà'
Phát biểu tại sự kiện, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến tại VNGGames cho biết, hiện tại ngành game Việt Nam đang phải chịu nhiều loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhà thầu, trong khi không được hưởng bất cứ một ưu đãi nào.
Khoảng thời gian hậu Covid-19 với tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, hầu hết người tiêu dùng đều thắt chặt chi tiêu, kể cả đối với lĩnh vực giải trí nên doanh thu của các công ty game cũng sụt giảm mạnh.
Hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép tại Việt Nam, nhưng chỉ có 30 đơn vị là thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường, ông Thắng dẫn số liệu từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông tại hội nghị ngày 23/3 vừa qua.
Do đó, ông Lã Xuân Thắng cho rằng, nếu áp thêm thuế TTĐB thì những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội chi phí lên cao, người chơi sẽ chuyển hướng sang chơi game do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vì giá thành rẻ hơn.
"Việc này sẽ dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game. Thứ hai là doanh thu cũng như lợi nhuận của những doanh nghiệp trong nước hoạt động đúng với pháp luật Việt Nam sẽ giảm mạnh từ 30%-50%, từ đó thuế thu được cho ngân sách Nhà nước cũng giảm mạnh tương ứng," ông Thắng nói.
"DOANH NGHIỆP VIỆT NGUY CƠ THUA TRẮNG"
"Khi doanh nghiệp phải chịu tình trạng thuế chồng thuế, sẽ khiến năng lực cạnh tranh trong nước tất yếu sẽ mất đi. Các doanh nghiệp game Việt sẽ rơi vào nguy cơ thua trắng và bị "xoá sổ" ngay trên chính sân nhà. Điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp trong nước chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác như Singapore để phát triển và vận hành game nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp game."
Ông Thắng thông tin rằng, hiện nay không có bất kỳ quốc gia nào áp dụng thuế TTĐB cho game online, trái lại nhiều nước còn tung ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển cho ngành công nghiệp này.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Trọng Kiên, Giám đốc điều hành công ty GOSU cho biết, việc áp dụng thuế TTĐB cho ngành game online sẽ có tác động như là một hình thức bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp game nước ngoài.
"Áp dụng thuế TTĐB có thể khiến các nhà đầu tư lớn không còn mặn mà trong việc đầu tư tài chính vào các công ty sản xuất game. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tạo ra các sản phẩm game mới và giảm động lực đầu tư vào ngành này", CEO Trần Trọng Kiên nói.
Với những phân tích trên, phía các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo đều kiến nghị là không nên đưa trò chơi trực tuyến vào danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB.
Cần ban hành quy chế trong việc chơi game online
Tại sự kiện, TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, không nên đánh đồng tất cả trò chơi điện tử trực tuyến là mối nguy hại. Bởi thực chất việc chơi game có gây nghiện hay ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như ý thức cá nhân, gia đình và môi trường.
Dự thảo luật cần làm rõ hơn việc có nên can thiệp bằng cách áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online thông qua các bằng chứng khoa học, thực tiễn mối nguy hại của game với người chơi.
Một thách thức lớn nhất hiện nay là kiểm soát game từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua dịch vụ xuyên biên giới. Theo thống kê của Data.ai, trong số 10 tựa game có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì có hơn một nửa số này được cung cấp bởi nhà phát hành nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm cả nghĩa vụ đóng thuế với Việt Nam.
Trên cơ sở đó, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu đánh thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, phát hành game xuyên biên giới vào Việt Nam.
Đồng thời, để kiểm soát việc chơi game của người sử dụng, các cơ quan, bộ, ngành cần ban hành quy chế nội bộ như không chơi game trong giờ làm việc và có sự giám sát, quản lý của gia đình, nhà trường đối với học sinh, sinh viên trong việc tham gia vào các trò chơi trực tuyến.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, mặc dù hầu hết các nước đều chưa đánh thuế TTĐB đối với ngành công nghiệp này nhưng nhiều quốc gia đã ban hành các hướng dẫn, cơ chế chính sách để điều tiết hành vi của người chơi.
TS. Cấn Văn Lực lấy dẫn chứng tại Trung Quốc đã ra quy định về thời gian chơi game của trẻ dưới 18 tuổi. Theo đó, nhóm đối tượng này sẽ chỉ được chơi game một tiếng đồng hồ vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ chính thức. Như vậy, trẻ em không thể chơi game nhiều hơn 3 giờ vào hầu hết mỗi tuần trong năm. Cùng với đó là thực hiện nghiêm ngặt việc đăng ký và đăng nhập bằng tên thật để các cơ quan quản lý tại Trung Quốc dễ dàng giám sát, quản lý hành vi của người dùng.
"Đây thực sự mới là kinh nghiệm quốc tế mà ngành game Việt Nam chúng ta cần học hỏi để xây dựng văn hoá game sáng tạo mà lành mạnh", ông Lực nhấn mạnh.