Theo Straits Times, Labuan Bajo là một làng chài yên bình, nép mình ở phần cực Tây của đảo Flores, thuộc vùng Nusa Tenggara ở phía Đông Indonesia.
Khi thông báo thị trấn này là địa điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Đây là thời điểm rất tốt để chúng tôi tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN và quảng bá Labuan Bajo ra thế giới”.
Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: VGP |
Trung tâm Hội nghị Meruorah ở Labuan Bajo, nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: Straits Times |
Labuan Bajo là cửa ngõ vào đảo Komodo và Rinca, nơi duy nhất trên thế giới có sự hiện diện của các đàn rồng Komodo. Đây là loài thằn lằn lớn nhất thế giới, với khả năng hạ gục và giết chết con mồi một cách từ từ chỉ bằng một vết cắn có chứa chất độc và vi khuẩn chết người.
Bên cạnh đó, thị trấn này còn là cửa ngõ vào Công viên Quốc gia Komodo – được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1991 và là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên Mới của thế giới.
Du khách ngắm nhìn rồng Komodo - loài thằn lằn lớn nhất trên thế giới tại Công viên Quốc gia Komodo. Ảnh: HANDOUT |
Ngoài hoạt động quan sát các loài thằn lằn khổng lồ, các du khách có thể trải nghiệm đi bộ trên địa hình đa dạng, vui chơi trên bãi biển cát trắng và lặn trong làn nước có nhiều rạn san hô đầy màu sắc và sinh vật thủy sinh kỳ lạ.
Một điểm đến nổi tiếng khác của Labuan Bajo là đảo Kanawa. Nơi này được coi là thiên đường của những bãi biển cát trắng và làn nước màu ngọc lam - có thể sánh ngang với những bãi biển đẹp nhất ở Thái Lan và Philippines. Ngoài ra, có thể kể đến đảo Kalong, nơi có hàng nghìn con dơi cáo thường bay ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn trên khắp đảo khi Mặt Trời lặn.
Đỉnh đồi trên đảo Padar có tầm nhìn ra Công viên Quốc gia Komodo. Ảnh: Getty Images |
Con phố chính của thị trấn này là Jalan Soekarno Hatta - con đường có sự hội tụ của các nhà hàng, rumah makan (quán ăn) địa phương, quán cà phê, đại lý du lịch và cửa hàng bán đồ lặn. Cách trung tâm thị trấn khoảng 4 km là “động gương” Batu Cermin, nơi có dãy thạch nhũ và măng đá rực rỡ.
Cách tốt nhất để đến Labuan Bajo là bay đến Sân bay Komodo, với rất nhiều chuyến bay đến và đi hàng ngày.
Tàu KM Sinabung cập bến Labuan Bajo. Con tàu đang được sử dụng để cung cấp chỗ ở bổ sung cho quan khách dự Hội nghị Cấp cao ASEAN. Ảnh: Straits Times |
Labuan Bajo là một trong “10 Bali mới” mà chính phủ Indonesia đang tìm cách phát triển để thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch đất nước. Tuy nhiên, thị trấn này tương đối nhỏ khi có diện tích 13 km2 và dân số hơn 5.000 người. Du khách có thể đi bộ khám phá nơi này từ đầu đến cuối trong khoảng 2 giờ.
Mục tiêu của Labuan Bajo là đón ít nhất 500.000 khách du lịch/năm, hoặc gấp 5 lần so với sức chứa hiện tại. Vì vậy, giới chức địa phương đang lên kế hoạch xây dựng nhiều chỗ ở và cơ sở du lịch.
Anh Andre Kurniawan, một nhân viên tại trung tâm cung cấp dịch vụ lặn biển ở Labuan Bajo, cho biết sự mở rộng cơ sở hạ tầng sẽ mang lại lợi ích cho người dân địa phương. “Trước đây, chúng tôi đã từng bị tách biệt với một số khu vực. Nhưng bây giờ chúng tôi đã mở cửa và mọi thứ đang trở nên tốt hơn. Tôi hy vọng rằng Labuan Bajo có thể trở thành một thị trấn du lịch tốt hơn trong tương lai”, anh nói.
Tuy nhiên, việc mở rộng này có thể phải trả giá bằng vẻ đẹp nguyên sơ của thị trấn Labuan Bajo. “Thiên đường đang trở nên bận rộn”, trang web du lịch Lonely Planet nhận xét.
Trong khi đó, các nhà môi trường và các nhà phân tích du lịch lo ngại sự quan tâm rộng rãi hơn của công chúng đối với thị trấn này có thể khiến những con rồng Komodo bị căng thẳng. Từ lâu nay, loài vật này được cảnh báo có thể đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng nếu không được bảo vệ đầy đủ. Tính đến năm 2022, có khoảng 3.300 con rồng đang sinh sống tại Labuan Bajo.