Món Tom Yum Kung. Ảnh: Hot Thai Kitchen |
Theo The Nation, thông báo được công bố ngày 3/12 trong khuôn khổ phiên họp thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể tại Asuncion, Paraguay. Ngoài Tom Yum Kung, các di sản văn hóa khác của Thái Lan bao gồm múa mặt nạ Khon, massage Thái, múa kịch Nora tại miền Nam Thái Lan và lễ hội Songkran.
Nhận định về sự công nhận này, Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Sudawan Wangsupakitkosol bày tỏ sự vui mừng của bản thân. Bà cho biết: "Đây là một thành tựu to lớn đối với ẩm thực Thái Lan. Tom Yum Kung không chỉ là một món ăn mà còn là đại diện cho kiến thức văn hóa và chuyên môn ẩm thực của chúng tôi".
Theo bà, Bộ Văn hóa Thái Lan có kế hoạch thông qua nhiều sáng kiến khác nhau để tận dụng sự công nhân này, trong đó bao gồm đưa món ăn này vào các chương trình du lịch và quảng bá tại các hội nghị và sự kiện quốc tế được tổ chức tại Thái Lan.
Cơ quan này cũng sẽ tổ chức chức một sự kiện kéo dài 3 ngày tại trung tâm mua sắm EmQuartier của Bangkok từ ngày 6 - 8/12 bao gồm nhiều hoạt động từ các buổi trình diễn nấu ăn bởi các đầu bếp nổi tiếng đạt sao Michelin, các buổi biểu diễn văn hóa và các cuộc triển lãm giới thiệu lịch sử và nghệ thuật đằng sau món ăn này.
"Sự công nhận không chỉ là một lời khen ngợi mà còn là sự tôn vinh di sản ẩm thực phong phú của chúng tôi và là lời mời thế giới trải nghiệm hương vị độc đáo của Thái Lan,” bà Sudawan cho biết
Bà nhấn mạnh rằng việc Tom Yum Kung được UNESCO công nhận “là cơ hội để thúc đẩy sức mạnh mềm về văn hóa của Thái Lan”, đồng thời là cơ hội “kích thích tạo việc làm, tạo thu nhập và tạo sự ổn định kinh tế ở cả cấp cộng đồng và quốc gia".
Hành trình món ăn này được công nhận bắt đầu từ tháng 3/2021 khi Nội các Thái Lan quyết định đề xuất Tom Yum Kung vào danh sách di sản văn hóa của UNESCO. Sau khi được công nhận là một yếu tố văn hóa quan trọng trong lĩnh vực tri thức, thiên nhiên và dinh dưỡng vào năm 2011, món canh này hiện đã nhận được sự yêu thích bởi nhiều người trên toàn thế giới.
Ở một diễn biến khác, bà Sudawan cũng chia sẻ tin tức về sự công nhận của UNESCO về một di sản văn hóa tiềm năng khác là trang phục truyền thống kebaya. Ngày 4/12, việc bỏ phiếu đề cử kebaya, một loại trang phục truyền thống, vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO sẽ diễn ra tại Paraguay.
Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan chia sẻ: "Tương tự như Tom Yum Kung, chúng tôi hy vọng rằng Kebaya – trang phục truyền thống được Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Thái Lan cùng đăng ký - sẽ được công nhận là biểu tượng di sản văn hóa chung mà chúng tôi cùng chia sẻ".