Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp. Ảnh:VGP. |
Chủ trì cuộc họp chiều 30/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh mọi vướng mắc trong việc đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế chủ yếu do định giá đất.
"Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật, quản lý đất đai, mấu chốt là định giá đất, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong đó có công tác rà soát, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP (Dự thảo Nghị định)", Phó Thủ tướng nói.
Để dự thảo Nghị định về định giá đất đi vào thực tiễn, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tích cực đóng góp ý kiến để Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn lọc, tiếp thu.
"Mặc dù Quốc hội đang xem xét Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, nhưng Dự thảo Nghị định cần tiếp tục hướng dẫn sát, trúng, đúng, phù hợp với thực tế, không đẩy việc khó xuống cho địa phương", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo tính chính xác, thống nhất của các công thức tính toán; Chỉnh sửa điều kiện áp dụng phương pháp so sánh và bổ sung thông tin, dữ liệu, chỉ số sử dụng định giá đất từ nguồn chính thống. Đồng thời, Bộ này cần lượng hóa chi phí phát triển dự án và trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong quá trình xác định, thẩm định, phê duyệt giá đất.
Về kiến nghị của các địa phương đối với việc giao đất, thu tiền sử dụng đất theo phân kỳ đầu tư, Phó Thủ tướng nêu rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định phân kỳ đầu tư, kế hoạch sử dụng đất khi phê duyệt dự án làm căn cứ thực hiện.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh:VGP |
Phó Thủ tướng cũng giao các địa phương phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu phương án xác định các hệ số, chỉ số phụ áp dụng kết hợp với với hệ số điều chỉnh giá đất của thửa đất, khu đất theo giá đất trong bảng giá đất đối với diện tích phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dưới 30 tỷ đồng (thành phố trực thuộc Trung ương), 10 tỷ đồng (các tỉnh miền núi, vùng cao), 20 tỷ đồng (các tỉnh còn lại).
Nên cho địa phương quyết định giá đất để thu hút đầu tư
Đóng góp cụ thể vào từng điều khoản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đề nghị cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong từng khâu của quá trình xác định, thẩm định, phê duyệt giá đất..
"Nên chăng cần có quy định cho phép địa phương quyết định giá đất cụ thể, linh hoạt hơn so với kết quả định giá đất ban đầu để thu hút nhà đầu tư", ông Mai Hùng Dũng kiến nghị.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Quách Tất Liêm đề nghị cần có quy định cơ quan thẩm định độc lập chi phí phát triển của nhà đầu tư trong dự án áp dụng phương pháp thặng dự để tính giá đất.
Lãnh đạo các tỉnh Hoà Bình, Quảng Bình, Kiên Giang cũng góp ý ưu tiên việc thu thập, sử dụng thông tin đầu vào từ các cơ quan Nhà nước; cách thức, khung tỉ lệ điều chỉnh đối với từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để phục vụ cho công tác xác định giá đất trên địa bàn tỉnh hoặc đối với từng dự án; thống nhất tỉ lệ chênh lệch đối với giá đất trong khâu định giá và thẩm định giá…
Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính (Bộ TN&MT) cho biết, sau khi tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện khái niệm, trình tự, nội dung các phương pháp xác định giá đất; điều kiện áp dụng từng phương pháp định giá đất là so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.
Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định chi tiết về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để bảo đảm tính minh bạch, tránh yếu tố chủ quan của người định giá khi áp dụng phương pháp so sánh; các nguồn thông tin và thứ tự ưu tiên, điều kiện để áp dụng phương pháp định giá đất; trách nhiệm của đơn vị xác định giá đất trong việc thu thập thông tin, các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin…
Theo quy định hiện hành, giá đất được xác định theo một trong 5 phương pháp gồm so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Dự thảo Nghị định mới bỏ phương pháp chiết trừ.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra ((23/10-28/11/2023).