Sân bay Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên. Nguồn: Báo Giao thông. |
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho rằng, sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế là sự nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng và cả ngành hàng không.
"Tuy nhiên, để Cảng hàng không quốc tế Liên Khương hoạt động hiệu quả, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị liên quan và UBND tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ và Tổng công ty Hàng không Việt Nam để triển khai đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, tăng hiệu quả và phát triển cảng theo quy hoạch được duyệt," ông Lê Anh Tuấn nói.
Về phía tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có vị trí quan trọng không chỉ đối với địa phương mà còn với các tỉnh Tây Nguyên.
"Do đó, tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng với đường bay thẳng đến nhiều quốc gia sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch quốc tế, vận chuyển hàng hóa đến quốc tế nhanh nhất, nhiều nhất.
Cùng với đó, Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế giúp tăng liên kết vùng, khai thác tiềm năng lợi thế cho Lâm Đồng và cả vùng Tây Nguyên. Tỉnh Lâm Đồng đề nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam quan tâm đầu tư cảng hàng không từ cấp 4D lên 4E theo quy định được duyệt," ông Nguyễn Ngọc Phúc nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trao quyết định cho đại diện Cục Hàng không Việt Nam và đại diện Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Nguồn: VGP. |
Cảng hàng không Liên Khương là sân bay 4D theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Sân bay có đường băng dài 3.250m, rộng 45m đáp ứng khai thác chủng loại máy bay code D như máy bay Boeing B757, Airbus A300 và tương đương trở xuống.
Theo quy hoạch sân bay Liên Khương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 5/2024, sân bay Liên Khương là cảng hàng không quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Thời kỳ 2021 - 2030, sân bay Liên Khương có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp 2, công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm. Khai thác các loại máy bay code C như Airbus A320, A321 và máy bay code E như Boeing B747, B787, Airbus A350 cũng như các loại máy bay tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Liên Khương tăng công suất khai thác lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên sẽ kéo dài đường băng thêm 350m để có chiều dài 3.600m, rộng 45m.
Sân bay Liên Khương (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) được người Pháp xây dựng năm 1933. Từ năm 1956 - 1960 người Mỹ đã tu sửa, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương với cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh.
Năm 2003 khởi công dự án "Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường hạ cất cánh (HCC), đường lăn, sân đỗ máy bay - cảng hàng không Liên Khương". Quy mô đảm bảo khai thác được các loại máy bay dân dụng tầm trung như A320, A321 và tương đương, cảng hàng không đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.
Năm 2019, việc sửa chữa nâng cấp được hoàn thành, có thể đón các loại máy bay dân dụng tầm trung như Boeing 767 hay Airbus A320, A321… Hiện, Cảng hàng không Liên Khương đã có thể tiếp nhận các chuyến bay với khả năng phục vụ 1,5 - 2 triệu lượt khách/năm.