Các diễn giả tại Hội thảo "Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng" |
Xếp hạng tín nhiệm - cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng” ngày 25/10, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng cũng như sản xuất kinh doanh. "Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế như: Huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế", ông Hùng chia sẻ.
Còn đối với các doanh nghiệp, nếu xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng với ưu đãi, cũng như giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ.
Ngoài ra, với thị trường trái phiếu, việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm cũng khuyến khích mở rộng cơ sở nhà đầu tư vốn đến các đối tượng chưa có sự tham gia sâu rộng như các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, và các định chế tài chính trong và ngoài nước.
Việc phân loại đánh giá trái phiếu với các mức độ xếp hạng tín nhiệm khác nhau sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc quản trị danh mục đầu tư theo mức độ xếp hạng tín nhiệm, tùy theo khẩu vị rủi ro và mức độ an toàn, mô hình hoạt động của định chế đầu tư.
Xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng. |
Để thị trường phát triển phải có niềm tin
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trên thế giới dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được phát triển nhiều thập kỷ qua. Tại Việt Nam, kể từ khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP được ban hành quy định về việc cấp phép và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã tạo điều kiện hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm chính thức tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại, việc xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa trở thành quy định bắt buộc như kiểm toán độc lập.
"Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng xếp hạng tín nhiệm rất thấp cho thấy doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng chưa quan tâm đến vấn đề này, trong khi chưa có quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm cũng như các phương pháp để quản lý các công ty xếp hạng tín nhiệm, các nhà đầu tư cũng không cho đó là điều quan trọng để ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình", TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm với nhận định này, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings cho biết, xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có 3 đơn vị được cấp phép bao gồm FiinRatings, VIS Rating và Saigon Ratings.
Điều này dẫn đến thị trường vẫn thiếu thông tin đánh giá về doanh nghiệp có khả năng so sánh tương đối về chất lượng tín dụng. Theo đại diện của FinRatings, công ty đã thực hiện xếp hạng lần đầu, duy trì theo dõi tín nhiệm hoặc đánh giá tín dụng với gần 40 doanh nghiệp Việt Nam, phân bổ ở các ngành khác nhau.
Tuy nhiên, thị trường còn thiếu sự đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; thiếu sự chuẩn hóa thông tin và đường cong lãi suất tham chiếu để định giá lãi suất. Bởi vậy, cần chuẩn hóa cung cấp công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức.
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings phát biểu tại Hội thảo. |
Trong khi đó, Chủ tịch FiinGroup, ông Nguyễn Quang Thuân cũng nhận định, hiện nay Việt Nam còn thiếu điều kiện để cho người dân đầu tư dài hạn, trong khi tiền của dân cư chủ yếu vẫn chảy về ngân hàng.
Vì vậy, theo ông Thuân, xếp hạng tín nhiệm sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư có thêm cơ sở để đa dạng hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
“Xếp hạng tín nhiệm không phải là cây đũa thần, nhưng chúng tôi tâm niệm để thị trường phát triển thì phải có niềm tin. Doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ minh bạch trên thị trường vốn để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Đây là điều cần sự nỗ lực của nhiều bên, không chỉ từ các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,…mà còn của doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư,…", Chủ tịch FiinGroup chia sẻ.
Từ đầu năm 2024, Việt Nam sẽ áp dụng quy định về việc bắt buộc áp dụng xếp hạng tín nhiệm đối với một số trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhằm minh bạch thông tin. Tuy nhiên, theo ông Thuân cần gia tăng số lượng các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm trên thị trường để hấp dẫn nhà đầu tư. Muốn vậy thì cần nhiều thành phần tham gia vào thị trường trái phiếu, công cụ nợ nhiều hơn.
Ngay cả với các doanh nghiệp không yêu cầu bắt buộc việc xếp hạng tín nhiệm cũng nên sử dụng công cụ này như một cơ sở để nhà đầu tư giải ngân. Các công ty bảo hiểm, công ty quỹ hưu trí phải đầu tư trái phiếu an toàn hơn.
Tuy nhiên, ông Thuân cũng cho rằng, xếp hạng cao không có nghĩa là không có khả năng vỡ nợ, việc xếp hạng tín nhiệm chỉ là quá trình theo dõi, hỗ trợ phân bổ danh mục và tạo thanh khoản.