ông Nakagawa Tetsuyuki, Chủ tịch Aeon Mall Việt Nam tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” (Meet Japan 2023) ngày 2/11. Ảnh: Ngân Hà |
Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ngày 2/11 tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” (Meet Japan 2023) nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Hội nghị - với sự phối hợp cùng các cơ quan và tổ chức Nhật Bản - nằm trong chuỗi các hoạt động do Bộ Ngoại giao tổ chức hàng năm nhằm hỗ trợ các địa phương trong hội nhập quốc tế, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên chuyên đề về tăng cường thương mại - đầu tư với sự tham dự của lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp tại Nhật Bản, bên cạnh việc thẳng thắn chỉ ra những khó khăn tồn tại khi đầu tư tại Việt Nam, các diễn giả bày tỏ những đánh giá tích cực về xu hướng quan tâm của doanh nghiệp Nhật với Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam sau Hàn Quốc và Singapore.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” (Meet Japan 2023) ngày 2/11. Ảnh: Ngân Hà |
Theo số liệu chính thức, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam từ năm 2003 đến nay vẫn luôn gia tăng đều và tới năm 2020 đạt con số 6 tỷ USD.
Trong khoảng thời gian 2020 – 2021, đầu tư có giảm sút trong bối cảnh Covid bùng phát. Nhưng giai đoạn năm 2022 – 2023 đã ghi nhận sự hồi phục trở lại.
Về quan hệ ODA, ông Shige Watanabe, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, tính tới hiện tại, tổng số vốn ODA của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 100 tỷ USD, phản ánh một mối quan hệ mật thiết giữa 2 nước.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng duy trì thái độ tích cực đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Watanabe bày tỏ.
Trích dẫn số liệu thống kê từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), ông Watanabe cho biết trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật trong việc mở rộng kinh doanh trong tương lai, Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Mỹ.
Nói về các doanh nghiệp Nhật đang làm ăn tại Việt Nam, ông Watanabe cho biết có tới 60% trong số họ có xu hướng mở rộng kinh doanh tại đây trong vòng một đến 2 năm nữa.
Con số này khiến Việt Nam đứng ở vị trí số 1 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 3 trên toàn thế giới về các thị trường mà Nhật Bản quan tâm đầu tư như Ấn Độ và Bangladesh.
Các chia sẻ của ông Nakagawa Tetsuyuki, Chủ tịch Aeon Mall Việt Nam trong phiên thảo luận chuyên đề khẳng định một thái độ tích cực trên của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Lý giải về sức hấp dẫn của các địa phương Việt Nam, Chủ tịch Aeon Mall Việt Nam nhận định: “Các thành phố địa phương Việt Nam nằm trong khu vực dự kiến có tăng trưởng kinh tế cực cao.
Trong tương lai, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, các cơ sở hạ tầng, cao tốc, bến cảng, đường sắt sẽ càng phát triển hơn nữa. Các thành phố, địa phương gần các trung tâm đô thị lớn sẽ ghi nhận sự cải thiện, sẽ thu hút được các khu công nghiệp, phát triển đô thị quy mô lớn và sẽ giúp kinh tế tăng trưởng”.
“Việt Nam là một quốc gia đầu tư trọng điểm trong khu vực châu Á đối với Tập đoàn Aeon," ông Nakagawa Tetsuyuki nói.
Các đại biểu tham gia sự kiện tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam - Nhật Bản tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2023” (Meet Japan 2023) ngày 2/11. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và sức hút của môi trường đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phàn nàn về một số khó khăn họ gặp phải tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính.
Theo ông Shige Watanabe, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại các địa phương đặt ra nhiều câu hỏi nhất về thủ tục hành chính. Cụ thể là về vấn đề đơn giản hóa quy trình cấp phép đầu tư cũng như rút ngắn thời gian chờ đợi giấy phép.
Ông cũng đưa ra lời khuyên cho các cơ quan Việt Nam về việc cải thiện một số yếu tố mà doanh nghiệp Nhật Bản sẽ rất chú trọng khi tiến hành đầu tư.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện hơn môi trường đầu tư bao gồm các yếu tố như cơ sở hạ tầng điện, nước hay đường xá, nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu đãi đối với các nhà đầu tư, vận dụng tốt nguồn vốn ODA hay thiết lập Japan Desk (các Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản) tại các địa phương.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh truyền thông tích cực về điểm mạnh của mình và lợi thế khi đầu tư để có thể gia tăng sức hút. Việc các địa phương hoàn thiện các website bằng tiếng Nhật hay tổ chức các buổi xúc tiến đầu tư hướng tới các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giúp truyền đạt một cách hiệu quả tới các nhà đầu tư.