Trong một năm 2023 nhiều diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị toàn cầu gia tăng, Đông Nam Á vẫn được coi là khu vực ổn định và các quốc gia ASEAN đang tiếp tục hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, nỗ lực trở thành tâm điểm của thịnh vượng.
Năm 2023 đánh dấu chặng đường 56 năm hình thành và phát triển của ASEAN. Đây là một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN trên nền tảng đoàn kết, tin cậy và hợp tác; từng bước hướng tới mục tiêu trở thành tâm điểm của hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực.
Với chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2023 là “ASEAN tầm vóc- Tâm điểm của tăng trưởng”, nước chủ nhà Indonesia đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 (từ ngày 9/5-11/5/2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan (từ ngày 4/9-7/9/2023).
Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 được tổ chức tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/9/2023. Ảnh: VGP |
Đặc biệt, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, sự hiện diện của gần 20 đối tác tại các hội nghị cấp cao ở Indonesia; việc chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN – Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện, ASEAN – Canada lên Đối tác Chiến lược; ASEAN ký bản ghi nhớ với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF); Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) mở rộng số lượng thành viên lên 54,… đã phản ánh cam kết và sự coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Canada, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, ngày 6/9/2023. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, tại Labuan Bajo, Indonesia, ngày 10/5/2023. Ảnh: VGP |
Mặc dù năm 2023 được coi là một năm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nhưng ASEAN vẫn duy trì là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới. Các nền kinh tế ASEAN được dự báo đạt mức tăng trưởng 4,3% trong năm 2023 và 4,7% vào năm 2024, theo báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 12/2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trong số các sự kiện nổi bật tại Đông Nam Á năm 2023, không thể không nhắc đến điểm nhấn chính trị tại một số quốc gia trong khu vực.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII ngày 23/7/2023, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo. Ông Hun Manet - ứng cử viên của đảng CPP - đã được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bổ nhiệm làm Thủ tướng. Sự kiện này đánh dấu quá trình chuyển giao quyền lực giữa cựu Thủ tướng Hun Sen - người đã nắm giữ vai trò lãnh đạo Chính phủ Campuchia trong gần 4 thập kỷ với con trai Hun Manet.
Ông Hun Manet vẫy tay chào cử tri khi kết thúc chiến dịch tranh cử của đảng Nhân dân Campuchia (CPP), tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 21/7/2023. Ảnh: AP |
Tại Thái Lan, ứng cử viên Srettha Thavisin của đảng Pheu Thai trở thành Thủ tướng thứ 30 của xứ sở Chùa Vàng, sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 22/8/2023. Chiến thắng của ông Thavisin và đảng Pheu Thai đã phá vỡ bế tắc tại Quốc hội Thái Lan trong 100 ngày kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 5/2023.
Với sự lãnh đạo của chính phủ cầm quyền mới, Campuchia và Thái Lan được kỳ vọng sẽ bước vào một giai đoạn mới để hồi phục kinh tế sau đại dịch và vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Ông Srettha Thavisin tại trụ sở đảng Pheu Thai tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/8/2023. Ảnh: Reuters |
Tại “quốc đảo sư tử”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 11/2023 thông báo sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền cho Phó Thủ tướng Lawrence Wong ngay sau lễ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng vào tháng 11/2024. Điều này báo hiệu trước công cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 4 tại đất nước này trong năm tới.
Nhìn lại một năm đã qua, các quốc gia trong khu vực và toàn cầu vẫn đang cố gắng thoát khỏi “bóng ma” Covid-19 và duy trì cách ứng xử tỉnh táo trước tác động của các xung đột địa chính trị toàn cầu như xung đột Nga – Ukraine hay cuộc chiến tại Dải Gaza.
Đánh giá từ góc độ khu vực và toàn cầu, so với những khu vực đang xảy ra bất ổn, Đông Nam Á vẫn đang được hưởng nền hòa bình và ổn định trong suốt hơn 5 thập kỷ qua. Để đạt được điều này, các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.
Liên quan đến khủng hoảng Myanmar, các nước ASEAN đã nỗ lực để có các cuộc đối thoại nhiều hơn với các bên liên quan tại Myanmar, đảm bảo khả năng mở rộng tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, bao gồm cả các khu vực có xung đột. ASEAN cũng nhất trí thành lập một bộ 3 gồm các Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm, hiện tại và sắp tới để phối hợp với các bên liên quan của Myanmar một cách nhất quán hơn.
Điểm lại các hoạt động của ASEAN trong năm 2023, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt khẳng định với báo chí rằng, khối ASEAN tiếp tục có một năm 2023 thành công với nhiều dấu ấn nổi bật. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh ASEAN chịu tác động mạnh từ rất nhiều biến động phức tạp, khó lường của môi trường quốc tế và khu vực.
Trước sự vận động đan xen của các cơ hội và thách thức, ASEAN đã chứng tỏ khả năng linh hoạt thích ứng, từng bước điều chỉnh để chủ động nắm bắt và tận dụng các xu hướng mới phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng vai trò, tiếng nói và vị thế của ASEAN được củng cố nhờ cách tiếp cận và ứng xử cân bằng, trách nhiệm và khách quan của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trên cơ sở nhất quán lập trường nguyên tắc và nỗ lực đóng góp thiện chí và thực tâm cho mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/9/2023. Ảnh: VGP |
Tổng kết sự tham gia ASEAN của Việt Nam trong năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt hoan nghênh các bộ, ngành đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, và sáng tạo, đóng góp thiết thực cho thành công của ASEAN, có ý nghĩa quan trọng đối với thành tựu đối ngoại chung của đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì cuộc họp liên ngành tổng kết hợp tác ASEAN, sự tham gia của Việt Nam trong năm 2023 và phương hướng năm 2024, ngày 27/12/2023. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
Trong kết quả chung của ASEAN năm 2023, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, hoàn thành tốt các nghĩa vụ thành viên trong triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng, chủ trì nhiều sáng kiến, hoạt động, và đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quản lý Thiên tai ASEAN, Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN về giáo dục, Hội nghị Quan chức Cao cấp về phúc lợi xã hội và phát triển, đồng chủ trì Nhóm Công tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng về gìn giữ hòa bình….
Nhiều ý tưởng của Việt Nam như Bộ Chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp đã được lan tỏa, trở thành dự án chung của ASEAN.
Về các định hướng, ưu tiên, trọng tâm tham gia ASEAN trong năm 2024, Việt Nam nhất trí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN, phối hợp và hỗ trợ ủng hộ nước Chủ tịch Lào trong năm ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trao chiếc búa Chủ tịch luân phiên ASEAN 44 cho Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, tại Jakarta, Indonesia, ngày 7/9/2023. Ảnh: VGP |
Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục lồng ghép và thúc đẩy các vấn đề thuộc ưu tiên và quan tâm của Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, các bộ, ngành trong nước sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Ngoại giao sớm hoàn thiện kế hoạch tổng thể tham gia ASEAN trong năm 2024; tổ chức thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN nhằm chia sẻ ý tưởng về sự phát triển của ASEAN.
Các cơ quan sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 59-KL/TW ngày 8/8/2023 của Bộ chính trị về định hướng tham gia ASEAN của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có kiện toàn bộ máy, hoàn thiện các quy chế, quy trình phối hợp trong tham gia ASEAN, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác ASEAN của Việt Nam, xứng tầm với nhiệm vụ và tình hình mới.