Siêu thị Winmart Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Masan |
Tập đoàn Masan (mã MSN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt gần 30%, cải thiện nhẹ so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 855 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 3 năm ngoái. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 15%, về mức 2.032 tỷ đồng; trong đó chi phí lãi vay chiếm 1.707 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng nhẹ so với cùng kỳ, ở mức hơn 4.800 tỷ đồng. Lãi từ các công ty liên kết đạt 1.158 tỷ đồng, tăng 10%.
Kết quả, Masan báo lãi sau thuế 1.301 tỷ đồng, gấp 2,7 lần kết quả thực hiện trong quý 2/2023 và cao nhất kể từ quý 2/2022; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) đạt 701 tỷ đồng, gấp gần 15 lần.
Về các lĩnh vực kinh doanh của Masan trong quý 3/2024, Masan Consumer (MCH) đạt mức tăng trưởng doanh thu 10,4% so với cùng kỳ, đạt 7.987 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp ở mức 46,8%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với quý 3/2023.
WinCommerce (WCM) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ, đạt 8.603 tỷ đồng trên toàn mạng lưới; lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng - lần đầu tiên kể từ thời kỳ Covid-19. Tính đến tháng 9/2024, WCM vận hành 3.733 cửa hàng WIN/Winmart, mở thêm 60 cửa hàng mới kể từ quý 2/2024.
Masan MEATLife (MML) đạt doanh thu 1.936 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ; EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) tăng 43 tỷ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) tăng 105 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp MML báo cáo EBIT dương và quý đầu tiên đạt NPAT Pre-MI dương kể từ năm 2023. Kết quả này được thúc đẩy bởi doanh số mảng thịt chế biến tăng lên đồng thời được hưởng lợi từ giá thị trường thịt gà và thịt lợn cao hơn.
Phúc Long Heritage (PLH) ghi nhận doanh thu thuần tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 425 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đóng góp từ 21 cửa hàng mới ngoài WCM được mở trong cùng quý. PLH hiện vận hành 174 cửa hàng trên toàn quốc.
Masan High-Tech Materials (MHT) ghi nhận EBIT giảm 117 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do nhu cầu thị trường thấp hơn, hoạt động doanh nghiệp bị gián đoạn do cơn bão Yagi và kế hoạch bảo trì nhà máy trong bối cảnh được thuận lợi về giá bán trên thị trường.
Techcombank (TCB) - công ty liên kết của Masan đóng góp 1.136 tỷ đồng vào EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) trong quý 3/2024, tương ứng mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Masan đạt 60.476 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 2.726 tỷ đồng, tăng 101%; lãi ròng đạt 1.308 tỷ đồng, gấp 3,5 lần.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 7% - 15% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan dự kiến tăng gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Như vậy so với kịch bản thấp nhất, Masan đã vượt mục tiêu lợi nhuận, còn so với kịch bản cao nhất thì hoàn thành 68%.
Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Masan đạt 154.291 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tăng mạnh là các khoản phải thu dài hạn, từ hơn 11.200 hồi đầu năm lên hơn 17.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có hơn 13.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 3.100 tỷ đồng, giảm gần 3.700 tỷ đồng. Trong đó, chứng khoán kinh doanh giảm gần 2.500 tỷ đồng về mức 1.720 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư trái phiếu.
Khoản mục đầu tư tài chính dài hạn của Masan chiếm tỷ trọng lớn, với hơn 35.600 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với đầu năm và chủ yếu là đầu tư vào công ty liên kết.
Nợ phải trả của công ty ở mức hơn 113.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính và phát hành trái phiếu chiếm hơn 65.700 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng sau 9 tháng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty phải trả 4.878 tỷ đồng tiền lãi, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Masan, nợ ròng/EBITDA 12 tháng gần nhất ở mức 3,4x, so với 3,9x của quý 4/2023 - đạt mục tiêu nợ ròng/EBITDA dưới mức 3,5x, nhờ vào sự cải thiện của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và dòng vốn từ các hoạt động tài trợ vốn của doanh nghiệp.
Masan Consumer muốn lên HoSE vào năm 2025, chào bán hơn 300 triệu cổ phiếu |
Triển vọng thị trường thịt mát Việt Nam và cơ hội của Vissan, Masan |
Tập đoàn Masan: 'Tay chơi' M&A không ngại dốc hầu bao |