Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “60 Minutes” của CBS News ngày 7/10, khi được hỏi liệu bà có sẵn lòng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để đàm phán giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine đã kéo dài gần ba năm hay không, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố: “Sẽ không có cuộc gặp song phương nào nếu không có sự hiện diện của Ukraine," RT đưa tin.
“Sẽ không có thành công nào trong việc chấm dứt cuộc chiến đó nếu không có Ukraine và không dựa vào Hiến chương Liên Hợp Quốc,” bà Harris nói: “Ukraine phải có tiếng nói cho tương lai của chính họ”.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ngày 26/9. Ảnh: AP |
Khi được hỏi liệu bà có ủng hộ việc NATO mở rộng và có thể bao gồm cả Ukraine hay không, bà Harris không đưa ra câu trả lời trực tiếp, chỉ nói rằng đó là những vấn đề mà “chúng tôi sẽ giải quyết nếu và khi đến thời điểm đó”. Bà đồng thời nói thêm rằng: “Hiện tại, chúng tôi đang ủng hộ khả năng tự vệ của Ukraine trước cuộc tấn công của Nga”.
Ứng cử viên đảng Dân chủ cũng chỉ trích cách tiếp cận của đối thủ đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump - về cuộc xung đột hiện nay. “Nếu ông Donald Trump là Tổng thống, Tổng thống Nga Putin sẽ đang ngồi ở Kiev ngay lúc này. Ông Trump nói rằng ông ấy có thể chấm dứt xung đột chỉ trong một ngày. Bạn có biết điều đó là gì không? Đó là về sự đầu hàng,” bà Harris tuyên bố.
Trong suốt chiến dịch tái tranh cử, ông Trump đã nhiều lần khẳng định có thể giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine "chỉ trong vòng 24 giờ" nếu được quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 11 tới, thậm chí trước khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ông Trump từng cho biết cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đều “có điểm yếu và điểm mạnh” - điều mà ông có thể sử dụng để giải quyết cuộc xung đột.
Mặc dù ông Trump không nêu chi tiết về kế hoạch giải quyết xung đột, nhưng phó tướng của ông là thượng nghị sĩ J.D Vance đã tiết lộ rằng một thỏa thuận hòa bình tiềm năng có thể gồm biện pháp thiết lập một khu vực phi quân sự giữa Nga - Ukraine và quy chế trung lập của Kiev.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ các cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Nga, nhấn mạnh nguyên tắc “không có gì về Ukraine mà không có Ukraine”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc rằng phương Tây về cơ bản đang cấm Ukraine đàm phán với Nga, coi Kiev là một công cụ hữu ích trong thế bế tắc với Moscow.
Vào tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng ngay lập tức mở các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu Kiev rút lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mới của Moscow (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia); Kiev cam kết giữ nguyên trạng thái trung lập, chính thức không gia nhập NATO hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân và cuối cùng là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều đã bác bỏ ý kiến này.
Vào tháng 8, Tổng thống Putin đã loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán với Ukraine vì Kiev thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn và xâm nhập vào vùng biên giới Kursk của Nga.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Vlolodymyr Zelensky đã từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow về 4 vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga, đồng thời tuyên bố rằng một ngày nào đó Kiev sẽ gia nhập NATO. Ông cũng tiết lộ rằng chiến dịch tấn công tỉnh biên giới Kursk của Nga là một phần quan trọng trong 'kế hoạch chiến thắng’ của Kiev, nhằm buộc Moscow phải chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài từ năm 2022.
“Vùng Kursk là một trong những hướng đi của kế hoạch, với một số hành động đã được triển khai. Hướng đi thứ hai liên quan đến vị trí chiến lược của Ukraine trong cơ sở hạ tầng an ninh toàn cầu. Chiến lược thứ ba là sử dụng các biện pháp ngoại giao để buộc Nga chấm dứt cuộc chiến. Hướng đi thứ tư là kinh tế. Tôi sẽ không nói về tất cả những điều này một cách chi tiết. Nhưng kế hoạch đã sẵn sàng,” Tổng thống Zelensky nói.