BAF được biết đến với thương hiệu "heo ăn chay". |
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, với nội dung chính là về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, BAF muốn phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 15.500 đồng/cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (không giới hạn số lượng). Thời gian thực hiện trong năm 2024 - 2025, sau khi công ty hoàn tất việc đăng ký chào bán lên cơ quan quản lý.
Với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng huy động được, doanh nghiệp dự kiến sẽ dùng gần 558 tỷ đồng để mua cám, phụ gia, nguyên vật liệu phục vụ các trang trại heo; 450 tỷ đồng để mua heo giống/heo cai sữa/heo hậu bị phục vụ các trang trại.
Nếu hoàn tất phát hành, BAF sẽ nâng vốn điều lệ từ 2.390 tỷ đồng lên 3.040 tỷ đồng.
Niêm yết trên HoSE từ tháng 12/2021, BAF liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, từ mức 780 tỷ đồng lên 2.390 tỷ đồng như hiện tại. Gần đây nhât, đầu tháng 7/2024, công ty kết thúc đợt chào bán 68,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, qua đó huy động 684 tỷ đồng.
Lý giải về sự cần thiết của việc tăng vốn trong tờ trình cổ đông, BAF cho biết, thời gian qua, công ty đã thực hiện đầu tư bài bản hệ thống trang trại chăn nuôi trên phạm vi cả nước với tổng số đàn thực tế hiện tại gồm 11.000 heo nái ông bà và heo nái cụ kỵ, trên 38.000 heo nái bố mẹ, tương đương với 1 triệu heo nái hậu bị và heo thịt thương phẩm.
Hệ thống trang trại của BAF hiện có 36 trại nuôi heo thịt và heo giống hiện đại đã đi vào hoạt động. BAF đặt mục tiêu mảng chăn nuôi đạt 1,5 triệu con heo thịt thương phẩm bán ra thị trường trong năm 2025 và 10 triệu con heo thịt thương phẩm bán ra thị trường năm 2030; tổng đàn nái đạt 400.000 con vào năm 2030 và hướng đến trở thành một trong 3 doanh nghiệp về chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đó, BAF cho rằng công ty cần nhanh chóng phát triển và mở rộng hệ thống chuồng trại, tăng cường đầu tư vào việc phát triển đàn heo thịt cũng như heo nái để mở rộng thị trường, tăng quy mô và chất lượng chuồng trại, đầu tư mua nguyên vật liệu phục vụ các trại nuôi...
“Việc BAF thực hiện tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của công ty trong giai đoạn hiện nay,” BAF nêu trong tờ trình cổ đông.
Kết phiên giao dịch ngày 8/10, BAF đóng cửa ở mức giá 22.200 đồng/cp, cao hơn 43% với giá công ty dự kiến phát hành. Từ đầu tháng 9/2024 đến nay, cổ phiếu chăn nuôi này có xu hướng phục hồi, với mức tăng gần 30%.
BaF Việt Nam lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết |
BSC gọi tên hai doanh nghiệp chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh |
Triển vọng thị trường thịt mát Việt Nam và cơ hội của Vissan, Masan |