Ảnh: Baidu Access |
Về cơ bản, metaverse có thể hiểu theo nghĩa rộng là thế hệ tiếp theo của internet. Cụ thể, metaverse sẽ là một thế giới ảo trong đó con người tương tác với nhau thông qua các không gian ba chiều.
Metaverse cũng là một lĩnh vực gây xôn xao lớn tại Trung Quốc. Baidu, một trong các gã không lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, đang có kế hoạch tổ chức sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển nội địa vào 27/12.
Điều đặc biệt là sự kiện này sẽ diễn ra trong thế giới ảo của ứng dụng metaverse XiRang được công ty này phát triển. Theo tuyên bố chính thức của Baidu, đây sẽ là hội nghị metaverse đầu tiên của Trung Quốc.
Phó chủ tích Baidu Ma Jie thuyết trình về ứng dụng metaverse XiRang ngày 21/12. Ảnh: CNBC |
Phó chủ tịch của Baidu Ma Jie cho biết ứng dụng XiRang hiện có thể chứa tới 100.000 người tham dự cho hội nghị ảo vào 27/12 sắp tới. Mục tiêu của tập đoàn là xây dựng một nền tảng mã nguồn mở cho các nhà phát triển metaverse - một cơ sở hạ tầng cho thế giới ảo.
Trong sự kiện xem trước vào 21/12, các avatar trong metaverse này sở hữu những khả năng như đi xuyên qua tường hoặc các vật thể khác. Ngoài ra, ứng dụng này cũng mô phỏng lại thế giới thực khi cho các avatar đi bộ hoặc bắt phương tiện công cộng.
Tuy nhiên cũng ở trong sự kiện này, giám đốc điều hành phụ trách XiRang đã hạ thấp kỳ vọng xuống khi chia sẻ rằng ứng dụng này vẫn còn rất nhiều những khía cạnh chưa được phát triển đẩy đủ. Theo ông Ma Jie, ứng dụng này được bắt đầu phát triển từ tháng 12 năm ngoái nhưng vẫn còn 6 năm nữa trước khi nó được hoàn thiện.
Brian Tycangco, nhà phân tích tại Stansberry Research, nhận định dòng thời gian phát triển metaverse của Baidu phản ánh sự hiểu biết của công ty trong lĩnh vực này. Đồng thời, nó cũng thể hiện cách tiếp cận thận trọng của công ty với môi trường pháp lý của Trung Quốc. Baidu đang cố gắng phát triển metaverse tại thị trường nội địa trong khi tuân thủ theo các chính sách mới của chính quyền Trung Quốc trong việc chống độc quyền. Do đó nền tảng này là một nền tảng mở.
Đại diện của Baidu cho biết tính mở là một phần vốn có của công ty. Bằng cách thúc đẩy sự phát triển nguồn mở, việc ứng dụng nó có thể trở nên rộng rãi và nhanh chóng hơn.
Theo quan điểm của Dan Ives, nhà phân tích cấp cao tại Wedbush Securities, mốc thời gian 6 năm của Baidu là khá thất vọng đối với các nhà đầu tư vì công ty này sẽ bỏ lỡ thị trường metaverse khổng lồ trong những năm tới. Theo ông Ives, việc thương mại hóa metaverse dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2024 trong khi năm 2022 sẽ đánh dấu sự mở rộng quy mô lớn hơn của nền tảng này.
Alvin Graylin, chủ tịch Trung Quốc của tập đoàn HTC - một công ty điện thoại thông minh và thực tế ảo, lại đưa ra nhận định một metaverse hoàn thiện sẽ mất từ 5 đến 10 năm nữa. Ông chia sẻ những thách thức chính để đạt được một metaverse hoàn thiện không đến từ công nghệ hay sản phẩm cụ thể nào. Thay vào đó, chúng sẽ đến từ cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho metaverse, các thỏa thuận và tiêu chuẩn của quốc tế. Để có thể biến Metaverse thành sự thực, các công ty và chính phủ sẽ cần hợp tác với nhau.
Ở hiện tại. yếu tố cần thiết nhất đối với metaverse chính là các quy định về thuế cùng sự phủ sóng rộng khắp của dịch vụ điện toán đám mây tốc độ cao.
Ảnh chụp màn hình ứng dụng XiRang của Baidu. Ảnh: KrASIA |
Tuy nhiên khi các cuộc thảo luận trên thế giới về chủ đề này thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng cũng như các nhà đầu tư, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại đăng một số bài báo cảnh báo về nguy cơ lừa đảo.
Vào 23/12, ủy ban kỷ luật trung ương của Trung Quốc đã xuất bản một bài báo trên trang web của mình về lịch sử metaverse. Bài báo này cũng cảnh báo về nguy cơ metaverse bị thổi phồng quá mức cùng với sự cần thiết của các quy chế giám sát tài chính trong thế giới ảo, đặc biệt khi đất ảo trở thành một lĩnh vực đầu cơ trong metaverse.
Với ứng dụng XiRang, điều này sẽ không xảy ra do theo ông Ma Jie, ứng dụng này sẽ không hỗ trợ tiền điện tử hay việc giao dịch các tài sản ảo dù công nghệ mà nó sử dụng tương tự với blockchain.
Trong một diễn biến khác, thị trường metaverse tại một cường quốc công nghệ khác là Mỹ cũng đang diễn ra sôi động. Vào đầu tháng 12, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates đưa ra dự đoán rằng trong 2 hoặc 3 năm nữa, hầu hết các cuộc họp trực tuyến sẽ chuyển sang mô hình metaverse.
Một công ty nổi bật khác đã nhảy vào thị trường này hồi tháng 10 là gã khổng lồ mạng xã hội Facebook. Với việc đổi tên thành Meta, doanh nghiệp này công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào các khoản liên quan trong năm tới nhằm hiện thực hóa dự án này. Facebook cũng đã công bố về hệ sinh thái thực tế ảo của mình mang tên Horizon Worlds. Khi sử dụng ứng dụng này, người dùng có thể tương tác với các avatar khác và xây dựng thế giới cũng như trò chơi của riêng mình.