Báo chí là ‘chủ công’ trong truyền thông chính sách

Báo chí là ‘chủ công’ trong truyền thông chính sách

CHÍNH SÁCH Việt nAM
07:45 - 21/06/2023
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, để chính sách được truyền tải một cách hiệu quả, các cơ quan báo chí, nhà báo phải có phản ánh đa chiều, kết nối từ nguồn phát đến các nhóm đối tượng tiếp nhận chính sách và tác động ngược lại.

Truyền thông có vai trò quan trọng trong tất cả các khâu của chu trình chính sách, từ hoạch định, thực thi cho đến đánh giá những tác động của chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội, tạo sự ổn định chính trị để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Để làm rõ hơn về vai trò của báo chí trong công tác truyền thông chính sách, Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Mekong ASEAN: Bà có thể đánh giá vai trò của ngành báo chí đối với công tác truyền thông chính sách hiện nay?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Có rất nhiều lực lượng tham gia vào công tác làm truyền thông chính sách, nhưng có thể nói rằng, báo chí là lực lượng chủ công, có tính chất rộng khắp và mang tính hệ thống. Bởi lẽ báo chí là một thiết chế xã hội mà trong đó những người làm báo có nhiệm vụ đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, đồng thời lắng nghe tiếng nói của người dân để phản ánh trên công luận. Từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách.

Mekong ASEAN: Với vai trò là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, bà có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật và tác động mà báo chí mang lại?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Nói về thành tựu, trong những năm gần đây công tác báo chí đã có thành tựu rất lớn trong hoạt động truyền thông chính sách, từ chính sách ở tầm vĩ mô cho đến những chính sách ở mức độ thấp hơn. Đã có sự chuyển biến rất lớn về nhận thức của các cơ quan báo chí, của các nhà báo trong vai trò, sứ mệnh với truyền thông chính sách.

Báo chí không chỉ phục vụ công chúng trong nước mà còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền đối ngoại. Báo chí Việt Nam đã giúp thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có những thông tin kịp thời và đúng đắn về tình hình đất nước, thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin báo chí với quốc tế.

Có nhiều chương trình, dự án nâng cao năng lực của báo chí trong truyền thông chính sách như dự án Koica Hàn Quốc đã phối hợp với các cơ quan báo chí để tổ chức các hội thảo và sau đó có in những cuốn tài liệu để tác động vào việc nâng cao kiến thức, năng lực truyền thông chính sách của lực lượng báo chí. Từ đó tạo ra cách nhìn, phương thức hành động một cách bài bản, dẫn tới hiệu quả của truyền thông chính sách những năm gần đây đã có những bước tiến mới.

Mekong ASEAN: Theo bà, đâu là khó khăn của báo chí trong quá trình thực hiện các kế hoạch về truyền thông chính sách?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Về căn bản các hoạt động truyền thông chính sách của Việt Nam đạt được kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, có một số trường hợp cụ thể, có sự sự thiếu nhất quán về thông điệp chỉ đạo, đặc biệt tại các cơ quan chủ thể của chính sách và thường là các bộ ngành và địa phương khi làm truyền thông chính sách và chưa có sự phối hợp tốt với các cơ quan báo chí.

Dẫn đến việc những thông điệp chủ đạo chưa được xác định rõ ràng, cùng với sự phối hợp chưa đồng đều đã khiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa người ra chính sách và người thực thi chưa được nhuần nhuyễn ăn ý, từ đó dẫn tới những thiếu sót trong hoạt động thông tin báo chí.

Mekong ASEAN: Vậy bà có thể đưa ra những giải pháp để truyền thông chính sách trong báo chí đạt được hiệu quả cao hơn?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Theo tôi, cần phải có nhận thức thật rõ ràng và nhất quán giữa tất cả các bên, giữa những người lãnh đạo và người làm công tác báo chí truyền thông đến các chủ thể của chính sách, với mục tiêu đưa thông điệp đa chiều, kết nối từ nguồn phát đến các nhóm đối tượng tiếp nhận.

Làm sao đảm bảo thông điệp truyền thông chính sách phải được truyền tải đến công chúng chính xác, rõ ràng, toàn diện, đa chiều. Có những cơ chế để lắng nghe ý kiến phản hồi và thúc đẩy việc giám sát, toàn diện chính sách một cách tích cực.

Đồng thời, người làm chính sách cũng cần có khảo sát về thực trạng tiếp nhận của công chúng để trên cơ sở đó có những điều chỉnh nhất định trong việc truyền tải truyền thông chính sách.

Mekong ASEAN: Để có thể đưa thông tin truyền thông chính sách một cách chủ động, theo bà, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí cần tăng cường mối quan hệ phối hợp theo quan điểm, cách thức ra sao?

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Tôi cho rằng, sự phản biện của các nhà báo trước khi đưa ra những chính sách có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, các cơ quan soạn thảo và ban hành trước khi chuẩn bị thông qua chính sách nào đó nên tổ chức họp báo, lấy ý kiến từ những cơ quan báo chí mà liên quan trực tiếp đến vấn đề này, các cơ quan có tôn chỉ mục đích hoặc mảng lĩnh vực chuyên sâu gắn với lĩnh vực đó.

Nhà soạn thảo chính sách và các cơ quan thông tấn báo chí, nhà báo cần có sự phối hợp tốt nhất trong hoạt động về truyền thông chính sách, lắng nghe các cơ quan báo chí và thường xuyên có liên hệ với cơ quan báo chí để tiếp nhận những thông tin về phản ánh của người dân.

Từ đó có những trao đổi cụ thể, cùng phối hợp với các cơ quan báo chí để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, có những va chạm cần nắn chỉnh liên quan đến chính sách soạn thảo.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn bà!

Đọc tiếp