Trụ sở của Helio Energy được đặt tại Tầng 4, Tòa nhà Amber, số 37 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của CTCP Helio Energy.
Theo đó, 21 triệu cổ phiếu HIO của Helio Energy được chấp thuận đăng ký giao dịch trên nền tảng UPCoM và có ngày giao dịch đầu tiên vào 23/10/2023 với giá tham chiếu là 10.600 đồng/CP.
Dù có vốn điều lệ không quá lớn (210 tỷ đồng), Helio Energy gây chú ý cho giới đầu tư khi trở thành doanh nghiệp năng lượng tái tạo đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn trong năm 2023, và là một trong số ít các doanh nghiệp ngành này có mặt trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Trong nửa đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu 64,5 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ 2022, lợi nhuận gộp từ đó cũng tăng từ 22 tỷ đồng lên 29,3 tỷ đồng. Với việc các chi phí hoạt động tăng tương đối so với nửa đầu năm ngoái, công ty báo lãi giảm 13% về còn hơn 6 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh và mức vốn điều lệ có phần khiêm tốn chưa khắc họa được quy mô của Helio Energy cũng như tiềm lực của giới chủ công ty này.
CTCP Helio Energy được thành lập vào tháng 6/2020 với tiền thân là Công ty TNHH Alpha Solar 1. Trụ sở chính của công ty hiện đặt tại Tầng 4, số 37 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Đến tháng 10/2021, Helio Energy chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang CTCP, đổi tên thành CTCP Heaven Power, đồng thời tăng vốn mạnh từ 10 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư Helios là cổ đông nắm quyền kiểm soát khi sở hữu 199,5 tỷ đồng vốn góp (95%), 5% còn lại được chia đều cho 2 cá nhân là ông Phan Thành Đạt (tổng giám đốc) và ông Hoàng Thế Anh.
Giai đoạn 2021 - 2022, Helio Energy đã thực hiện M&A 34 doanh nghiệp sở hữu các dự án điện mặt trời mái nhà. Các dự án này được công nhận vận hành từ cuối năm 2020 và được hưởng giá bán điện ưu đãi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo bản cáo bạch được công bố, Helio Energy và các công ty con hiện đang vận hành các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hoạt động là 38,2 MWp, tập trung tại khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình Thuận…
Tính đến ngày 22/9/2023, cổ đông lớn nhất của Helio Energy là CTCP Helio Power (CTCP Đầu tư Helio đổi tên thành CTCP Helio Power vào tháng 2/2022) với tỷ lệ sở hữu 69,31%, ông Phan Thành Đạt duy trì sở hữu ở mức 2,5%, trong khi ông Hoàng Thế Anh thoái gần hết vốn về còn 10.000 cổ phần, tương đương 0,5% vốn điều lệ công ty.
Về công ty mẹ của Helio Energy - CTCP Helio Power được thành lập vào năm 2016. Trong nhiều năm, ông Trần Anh Thắng nắm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tới năm 2021, vị trí Chủ tịch HĐQT được chuyển cho ông Hoàng Thế Anh, trong khi ông Phan Thành Đạt được chọn làm Tổng giám đốc công ty này.
Cả 3 cái tên kể trên đều là các nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái Amber Capital.
Cụ thể, ông Trần Anh Thắng (SN 1984) từng có thời gian nắm giữ các vị trí Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT của CTCP Quản lý Quỹ Amber, trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital Holdings từ tháng 10/2021 đến nay. Ông cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc kiêm Người phụ trách quản trị của CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) – đơn vị do Amber Capital Holdings sở hữu 11% vốn.
Ông Hoàng Thế Anh (SN 1983) từng có thời gian làm Thành viên HĐQT CTCP Quản lý Quỹ Amber nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông hiện cũng đang đứng tên tại một số các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái là CTCP Amber Power, Công ty TNHH Amber Asset Management…
Trong khi đó, ông Phan Thành Đạt cũng có nhiều năm làm Thành viên HĐQT Chứng khoán Nhất Việt, trước khi nộp đơn từ nhiệm hồi đầu năm nay.
Nhiều lãnh đạo của Helio Energy ở thời điểm hiện tại cũng có liên hệ tới hệ sinh thái Amber Capital, ví dụ như Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Lan đang là Phó Tổng giám đốc CTCP Amber Capital.
Bệ phóng EVN Finance
Cho đến hết quý 2/2023, tổng nợ phải trả của Helio Energy giảm nhẹ so với đầu năm về còn 349 tỷ đồng, phần lớn tới từ 337 tỷ đồng nợ vay tài chính. Trong số đó, bên cạnh những khoản vay ở các ngân hàng thương mại, Helio Energy còn ghi nhận 51,7 tỷ đồng vay nợ dài hạn đối với Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVF Finance - EVF).
Khoản vay trên chỉ chiếm hơn 15% cơ cấu nợ vay tài chính tại cuối quý 2/2023, tuy nhiên cho thấy vai trò “bệ phóng” của EVN Finance trong quá trình phát triển của Helio Energy, đặc biệt là ở thời điểm sơ khai của công ty này.
Tính đến ngày 21/10/2021, tức là ngày công ty chuyển mô hình từ Công ty TNHH sang CTCP, nợ vay tài chính của Helio Energy ở mức 41,8 tỷ đồng, tương đương 93% cơ cấu nợ. Toàn bộ số tiền trên đều là các khoản tài trợ từ EVN Finance vào năm 2020, không lâu sau khi Helio Energy được thành lập.
Đơn cử như hợp đồng tín dụng dài hạn ngày 30/9/2020 với số tiền vay 11 tỷ đồng, thời hạn 7 năm nhằm thực hiện lắp đặt hệ thống mặt trời trên mái nhà xưởng Công ty TNHH Vinh Quang (Bình Dương), hợp đồng tín dụng ngày 22/9/2020 với số tiền vay 11 tỷ đồng, thời hạn 7 năm nhằm lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng Công ty TNHH Nam Thành Lợi (Đồng Nai)…
Mảng “sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí” luôn dẫn đầu cơ cấu cho vay khách hàng của EVN Finance trong nhiều năm qua.
Trước đó, vào cuối năm 2017, CTCP Đầu tư Năng lượng Heli (tên cũ là CTCP Helio Power) đã mang toàn bộ nguồn thu tại dự án Nhà máy điện Mặt trời Mũi Né thế chấp tại EVN Finance. Tới đầu năm 2019, EVF tiến hành đầu tư vào CTCP Đầu tư Năng lượng Heli. Khoản đầu tư trị giá 300 tỷ đồng, tương đương 9,09% vốn điều lệ công ty này.
Đầu tư Năng lượng Heli được thành lập vào tháng 8/2017 với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Chỉ vài tháng sau khi hoạt động, công ty tăng vốn mạnh lên 660 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Amino Finance Group sở hữu 120 tỷ đồng (18,18%), CTCP Amber Capital nắm giữ 420 tỷ đồng (63,64%) và CTCP Lemanh Brothers sở hữu 60 tỷ đồng còn lại, tương đương 9,09% vốn điều lệ Helio Power.
Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, Lemanh Brothers, Amber Capital và Amino Finance Group cũng là những cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư AFG Đà Nẵng – doanh nghiệp đã phát hành 450 tỷ đồng trái phiếu cho EVN Finance hồi giữa năm 2019.
Mối quan hệ đối tác giữa Amber Capital và EVN Finance chưa dừng lại ở đó. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2023, CTCP Quản lý quỹ Amber có 124 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại EVF, đồng thời cũng sở hữu 265 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi do EVN Finance phát hành.
Quay trở lại với Đầu tư Năng lượng Heli, công ty này từng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Helios, tiền thân của CTCP Helio Power – công ty mẹ của Helio Energy như đã nói ở trên để phát triển dự án Điện mặt trời Mũi Né có công suất 40MW tại Bình Thuận.
Bên cạnh đó, Đầu tư Năng lượng Heli tính đến tháng 7/2021 còn sở hữu 18 triệu cổ phần tại CTCP SD Trường Thành – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Minh 2. Dự án có công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng và được khởi công vào năm 2018.