Toàn cảnh Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và sản phẩm dừa - Cơ hội tăng trưởng bứt phá". Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre |
Ngày 24/8, Sở Công thương phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và sản phẩm dừa - Cơ hội tăng trưởng bứt phá".
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Việt Nam là nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, ước khoảng 28%/năm và dự kiến đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2026.
Một trong những mặt hàng bán chạy của thương mại điện tử xuyên biên giới là hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng… với thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đó, Bến Tre đang có lợi thế và tiềm năng lớn để sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bến Tre có tiềm năng lớn để xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre |
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, thương mại điện tử xuyên biên giới tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã chính thức có hiệu lực.
Đồng thời, việc tham gia vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa các chi phí mà hình thức xuất khẩu truyền thống đang phải gánh vác như chi phí marketing, lưu kho, tiếp cận khách hàng…
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận loại hình thương mại này các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong vận chuyển, bảo quản, thông quan hàng hóa... Đây chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt cụ thể.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, thương mại điện tử xuyên biên giới tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre |
Bên lề hội nghị, các doanh nghiệp tham dự cũng đã có một triển lãm nhỏ giới thiệu các mặt hàng đặc sản của Bến Tre. Trong đó, chú trọng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa - một trong những sản phẩm thủ công đặc sắc của tỉnh.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre |
Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua các gói giải pháp cụ thể, Sở Công Thương Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình Chợ 4.0 với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới thực hiện Chợ 4.0 trên các sàn thương mại điện tử.
Sở đang vận hành sàn thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre với gần 73 gian hàng và 240 sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh kinh doanh, quảng bá sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.