Theo thống kê của Mekong ASEAN, trong tuần này, thị trường ghi nhận 4 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng ngày 9/4. Lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 tháng giảm về mức 3%/năm. Các kỳ hạn 2 và 3 tháng lần lượt giảm về 3,2% và 3,3%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), mức giảm lãi suất diễn ra ở kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, xuống còn 3,2%, tương đương giảm 0,1 điểm phần trăm từ 10/4.
Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) cũng giảm đồng loạt 0,2 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn tiền gửi ngày 8/4.
Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm còn 2,9%/năm, 2 tháng 3%/năm, 3-5 tháng 3,2%/năm, 6-11 tháng 4,3%/năm, 12-13 tháng 4,8%/năm, trong khi kỳ hạn 13 tháng còn 4,8%/năm và 15 tháng còn 4,9%/năm.
Kỳ hạn 18 tháng tại Viet A Bank còn 5,1%/năm, 24-36 tháng là 5,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này.
Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, Nam A Bank giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,7%/năm, 3 tháng là 3,4%/năm, 4-5 tháng giữ nguyên 3,6%/năm.
Nam A Bank giảm 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 6 tháng, còn 4,3%/năm. Kỳ hạn 7-8 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 4,4%/năm. Kỳ hạn 9-11 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm, còn 4,7%/năm.
Kỳ hạn 12 và 13 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 5,1%/năm, 14 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm về 5,3%/năm.
Ngược lại, trong tuần, đã có 5 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn 6 đến 9 tháng lên 4,1%/năm từ ngày 9/4.
Trước đó, cuối tháng 3/2024, Eximbank đã tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng lần lượt lên 3,1%/năm; 3,3%/năm; 3,4%/năm.
Ngày 10/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất huy động sau khi từng điều chỉnh tăng đồng loạt với các kỳ hạn vào cuối tháng trước. Theo đó, VPBank tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng. Lãi suất huy động trực tuyến áp dụng cho tài khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, kỳ hạn 12-18 tháng tăng lên 4,8%/năm. Kỳ hạn 24-36 tháng niêm yết ở mức 5,2%/năm.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6-36 tháng. Kỳ hạn 6 tháng là 4,4%/năm, 9 tháng 4,8%/năm, 12 tháng 5%/năm, 13 tháng 5,1%/năm, 15 tháng 5,2%/năm, 18-36 tháng 5,5%/năm.
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 4 và 5 tháng, lần lượt 0,1-0,2 điểm phần trăm lên 3,6, 3,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên 2,6%/năm.
Trong báo cáo vừa công bố, WiGroup cho biết lãi suất tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn duy trì quanh vùng đáy.
Tuy nhiên, trong khi nhóm ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất, một số ngân hàng tư nhân đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Nguyên nhân chính của việc tăng lãi suất một phần do tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng giảm, trong khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương.
Cụ thể, số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng phần nào đã sụt giảm khi lãi suất xuống thấp và các khoản tiền gửi lãi cao trước đó đáo hạn.
Tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Trong khi ở chiều ngược lại, sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm thì tín dụng tháng 3 đã phục hồi nhẹ và đã tăng 0,9%.
Theo WiGroup, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều. Đây cũng là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm "đáy".
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ quý 2/2024
Trong khi đó, Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý 2/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện.
MBS dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm % và sẽ tiến dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm khi một số ngân hàng đã cho thấy có sự điều chỉnh huy động trái chiều trong tháng 3.