Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ

QUỐC HỘI Bình Thuận
18:04 - 26/03/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng nền tảng vững chắc là các thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ.

Nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sáng 26/3.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, năm 2022 và quý 1/2023, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh, tương đối đồng đều trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 7,75%.

Tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ sớm lập tổ công tác do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn về định giá đất, thời hạn sử dụng đất, tiếp tục triển khai các dự án bất động sản và thu hút các nhà đầu tư tới Bình Thuận, góp phần phát triển mạnh thương hiệu du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thành công Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” vào tối 25/3. Lễ Khai mạc được tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị chu đáo, công phu với nhiều tiết mục trình diễn ấn tượng.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hy vọng với sự khởi đầu Năm du lịch quốc gia như vậy, ngành du lịch của cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ có một năm 2023 phục hồi, bứt phá.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có đánh giá, rà soát lại việc thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch, đề án, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Bình Thuận sớm nghiên cứu ban hành chương trình từ nay đến hết nhiệm kỳ để rà soát, hoàn thiện chủ trương, chính sách trên địa bàn, làm cơ sở cho HĐND tỉnh Bình Thuận cụ thể hóa thành các nghị quyết triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vị trí Bình Thuận là “nút giao thông” giúp kết nối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ với khu kinh tế trọng điểm Phía Nam, là “cửa ngõ” hướng biển của các tỉnh Tây Nguyên.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có đó và nền tảng vững chắc là các thành tựu kinh tế - xã hội, Bình Thuận sẽ hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt khi 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã tiến hành Kỳ họp bất thường để thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, do đó, các tỉnh phải khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch của tỉnh.

Bình Thuận cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia. Từ đó khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

"Cần xác định rõ hơn trong từng trụ cột phát triển thì tập trung làm gì, phải tính toán, nghiên cứu, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, tạo lập năng lực sản xuất mới để định hướng phát triển và có chiến lược để thu hút đầu tư", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lấy ví dụ, với trụ cột công nghiệp thì tập trung vào những ngành, lĩnh vực nào vì Bình Thuận có không ít tiềm năng để phát triển công nghiệp.

Hay trong trụ cột nông nghiệp, phải tính toán các chuỗi giá trị lớn, như sản phẩm thanh long hiện đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì chuỗi giá trị thanh long như thế nào? Phát triển nông nghiệp phải gắn với thuỷ lợi, nhất là trong điều kiện Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước.

Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Thuận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí, đề nghị các cơ quan của Quốc hội tham mưu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định; đồng thời chuyển tới Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Tin liên quan

Đọc tiếp