Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên toà xét xử. Ảnh: CAND |
Sáng ngày 25/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Vào cuối giờ chiều ngày 24/7, HĐXX đã kết thúc phần xét hỏi, dự kiến bắt đầu tranh luận vào sáng 25/7. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm việc khắc phục hậu quả vụ án.
Viện Kiểm sát ghi nhận trước ngày khai mạc phiên tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết Quyết - cựu Chủ tịch FLC và gia đình đã nộp tổng cộng hơn 200 tỷ đồng - khoảng 5% trong toàn bộ thiệt hại vụ án trên 4.300 tỷ đồng. Trả lời HĐXX sau đó, ông Quyết cho biết được luật sư thông báo, vợ đã nộp thêm 25 tỷ đồng hôm 23/7 nên tổng số tiền bị cáo đã khắc phục là khoảng trên 240 tỷ đồng.
Trả lời về phương hướng tiếp theo để khắc phục hậu quả, ông Trịnh Văn Quyết tự tính hiện còn 500 tỷ đồng nguồn tiền từ bán hãng hàng không chưa được đối tác trả, cộng thêm tổng tài sản gần 5.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa. Nếu Tòa buộc phải bồi thường hơn 4.300 tỷ đồng, ông sẽ tự nguyện bán những tài sản này.
Cựu Chủ tịch FLC cho biết bản thân đang nắm giữ hơn 30% cổ phần Tập đoàn FLC và nhiều lần đã đề nghị được bán để khắc phục hậu quả. Bị cáo cho rằng hơn 30% cổ phần này rất lớn vì FLC sở hữu nhiều tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng với 5.000-6.000 phòng khách sạn 5 sao, bán đi sẽ đủ khắc phục.
Ông Quyết còn tự định giá tài sản thực của FLC lên đến hàng tỷ USD, một số đang thế chấp ngân hàng nhưng phần lớn là thuộc tập đoàn.
Sau phần trả lời của ông Quyết, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị cần thêm thời gian trước khi luận tội. Do đó, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa và quay lại phần tranh tụng vào chiều 26/7.
Trước đó, trình bày trước toà chiều 24/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết mới được cơ quan cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản là cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways và đã thu được gần 200 tỷ đồng. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của cơ quan cảnh sát điều tra. Ngoài ra, bị cáo sẽ tiếp tục được nhận khoảng 500 tỷ đồng từ việc bán cổ phần này và sẽ tiếp tục nộp để khắc phục hậu quả vụ án.
Cũng theo trình bày của bị cáo Quyết, bị cáo đang tiếp tục nhờ gia đình tác động người thân, bạn bè để có tiền khắc phục hậu quả và mong được cơ quan chức năng tạo điều kiện để xử lý tài sản của mình gồm bất động sản, cổ phiếu… để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu toà Sáng 22/7, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. |
Để phục vụ xét xử, tòa án đã triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS (lần đầu bán ra) với tư cách là bị hại và hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, chỉ có số ít nhà đầu tư có mặt.
Trong đó, có nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng được xác định tư cách là bị hại thay vì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đề nghị bị cáo Trịnh Văn Quyết dùng tài sản của mình mua lại cổ phiếu của những người "không còn muốn đồng hành với công ty nữa". Một số người khác mong muốn lấy lại tiền gốc đã bỏ ra mua cổ phiếu, đồng thời được bồi thường cả về vật chất và tinh thần.
Có nhà đầu tư đề nghị 2 phương án giải quyết. Thứ nhất là để bị cáo Quyết bồi thường cho các nhà đầu tư và thứ hai là xem xét cho cổ phiếu ROS tiếp tục được niêm yết.