Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "Vietnam at a glance - Lấy lại hào quang nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5% so với dự báo trước đó là 6%, với kết quả tốt hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024.
Theo HSBC, điều này nhiều khả năng sẽ đưa Việt Nam trở lại vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho các quốc gia khác trong khu vực trong hai năm vừa qua.
Nhóm phân tích HSBC chỉ ra, mặc dù khởi đầu có phần hơi thất vọng nhưng tăng trưởng GDP quý 2/2024 của Việt Nam đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như là mức cao nhất trong hai năm đổ lại đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%.
"Kết quả này đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng," chuyên gia HSBC đánh giá.
Theo HSBC, lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Với lĩnh vực thương mại, chuyên gia HSBC đánh giá, chủ yếu được dẫn dắt bởi phục hồi trong mảng điện tử. Tuy nhiên, các ngành hàng khác ngoài điện tử cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, xuất khẩu dệt may và da giày, vốn bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, cũng phục hồi trở lại và chứng kiến tăng trưởng ở mức hai con số trong quý 2/2024.
Song song với tình hình thương mại tươi sáng, tâm lý các nhà sản xuất cũng tốt lên thấy rõ. Dẫn chứng được nhóm phân tích đưa ra là PMI tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, không chỉ vượt hẳn ngưỡng mở rộng 50 mà còn đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua.
Bên cạnh đó, triển vọng FDI dài hạn vẫn luôn là một điểm sáng. Mặc dù đã giảm so với đỉnh của năm 2017, FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn với vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Lĩnh vực bất động sản cũng đang nổi lên với tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình suy giảm năm ngoái.
Song song đó, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tích cực. Chỉ trong nửa năm 2024, Việt Nam đã thu hút hơn 8,8 triệu lượt khách, vượt mức của năm 2019. Đặc biệt, ngay cả chưa có cơ chế miễn thị thực, lượng du khách Trung Quốc trở lại đã đạt 80% so với thời điểm đó. Mặc dù Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách trong năm 2024, HSBC vẫn thấy có dư địa để cải thiện hơn nữa, bao gồm mở rộng danh sách miễn thị thực.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại phong độ trước đại dịch. Theo ước tính của ngân hàng này, chỉ số này vẫn còn thiếu hụt một mức đáng kể tương đương 10% so với xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng, hiệu ứng lan tỏa rồi cũng sẽ tác động đến lĩnh vực trong nước, nhưng ảnh hưởng có khả năng trở nên rõ rệt hơn trong quý 4/2024.
Cùng với việc, Chính phủ vẫn có các chính sách để hỗ trợ cho kinh tế trong nước. Quốc hội mới đây đã đồng ý kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đến hết năm, đồng thời giảm một số loại phí đối với một số ngành, nhiều khả năng sẽ phần nào giúp nâng đỡ cho kinh tế trong nước, HSBC kỳ vọng.
Với lạm phát, lạm phát toàn phần trong tháng 6 tăng 0,2% so với tháng trước, khiến lạm phát so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao là 4,3%, theo HSBC, đây vẫn là một mối lo trước mắt.
Trong khi giá dầu giảm xuống giúp xoa dịu tình hình, giá thịt lợn tăng, do dịch tả lợn châu Phi vẫn còn tiếp diễn, khiến lạm phát tháng 6 tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, HSBC dự báo lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm sẽ dịu xuống ở mức hơn 3% một chút, nhiều khả năng đưa lạm phát bình quân của cả năm xuống 3,6%.