Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ mảng nông nghiệp đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhận định tại “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” chiều ngày 23/7 do VCCI chủ trì tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: “Với kết quả trên, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57 - 58 tỷ USD, cao hơn 2 - 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm”.
Tuy nhiên, ông Phòng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam cũng cần phải thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên.
Nhu cầu thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đã trở nên "rất cấp thiết". Đặc biệt khi ngành có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp nên dễ tổn thương và chịu nhiều tác động từ sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Đặng Kim Sơn đồng tình. Ông nói: Lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam vẫn là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp.
Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, chỉ có khoảng 1 - 2 % doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Trong số đó, chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp).
Theo ông Sơn, lực lượng có hạn này đã cố gắng vượt bậc, bắt kịp các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường; trong điều kiện vốn hạn chế, đất đai thu hẹp vẫn liên tục tăng giá trị sản xuất, tăng khối lượng xuất khẩu, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Ông Đặng Kim Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BTC |
Trước thực trạng trên, chia sẻ tại sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp tổ chức, ông Sơn đề xuất hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của vùng nông sản chủ lực.
Tại đây, Nhà nước và doanh nghiệp có cơ chế phối hợp để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường.
Gắn bó xung quanh hạt nhân này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ông Sơn cho rằng, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với tổ chức khoa học công nghệ, giữa doanh nghiệp với nông dân trên nền tảng một hệ thống chính sách, pháp luật hiệu quả của Nhà nước.
Do đó, theo ông Sơn, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống khuyến nông và dịch vụ tư vấn công nghệ, hình thành quan hệ phục vụ khách hàng với đội ngũ cán bộ chuyển giao kỹ thuật, gắn hiệu quả phục vụ người sản xuất với lợi ích của họ.
Đồng thời, nhanh chóng đổi mới cơ chế, hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, trong các chính sách ưu đãi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trong các chính sách ưu đãi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế... Ảnh: BTC |
Cụ thể, chính sách đất đai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng ở mức ưu đãi cao nhất như ưu tiên đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn; tăng thời gian thuê đất công từ 5 năm lên 10 năm…
Chính sách tín dụng đã quy định rõ, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ hưởng lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với khoản vay thông thường; không có tài sản đảm bảo được vay 70% giá trị dự án…
Với chính sách ưu đãi thuế, nhiều loại đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Dự án nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư được xem xét áp dụng chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Tuấn - Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên và Agribank luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn.
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN (ngày 24/4/2017) chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Agribank đã ngay lập tức triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng và là ngân hàng có mức cam kết cho vay cao nhất trong tổng các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia...
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án...