Trao đổi với phóng viên tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định, 6 tháng đầu năm 2024, thương mại của Việt Nam có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, qua công tác giao ban có thể thấy các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp cũng chủ động trong các vấn đề thương mại, điều này được coi mang tính quyết định, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2024 ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (YoY), trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% YoY; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1% YoY.
Về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch tăng trưởng 19,9% YoY. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% YoY
Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt, bao gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2% YoY; hàng dệt may ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,1% YoY; giày dép ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 10% YoY, sắt thép các loại ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,8% YoY…
Về nhập khẩu, nhóm hàng cần nhập khẩu (gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước…) chiếm 88% tổng kim ngạch nhập khẩu, ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 19,6% YoY.
“Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhận định.
Về phía Cục Xúc tiến thương mại, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, năm 2024 bên cạnh tập trung vào thị trường trọng điểm, hoạt động xúc tiến thương mại còn chú trọng vào khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương chỉ đạo ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp kết nối khách hàng phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, da giày, phần mềm...
Chứng chỉ Halal - giấy thông hành đặc biệt cho doanh nghiệp xuất khẩu Trong bối cảnh các thị trường trọng điểm của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khu vực tiêu thụ thực phẩm Halal đang nổi lên là một thị trường có tiềm năng mở ra không gian tăng trưởng mới cho kim ngạch xuất khẩu. |
Đa dạng hóa để doanh nghiệp Việt 'lấn sâu' vào ASEAN Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra thế giới đạt 354 tỷ USD, tuy nhiên thị trường ASEAN lại chỉ chiếm 9,2% tỷ trọng. Nếu so với tiềm năng thị trường, con số này chưa thực sự tương xứng. |
Các doanh nghiệp, ngành hàng, thương hiệu sản phẩm Việt Nam cũng duy trì sự hiện diện tại các hội chợ triển lãm quốc tế lớn; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại các thị trường có FTA, thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, UAE, Bulgaria, Kazakhstan, Australia và New Zealand.
Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thực hiện trong nước cũng ngày càng khẳng định tính hiệu quả như Vietnam Expo 2024, VIATT 2024, Viet Nam International Sourcing 2024…
Các hoạt động xúc tiến thương mại trên đã hỗ trợ khoảng 2.000 đơn vị là các tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, trong đó nhiều doanh nghiệp đạt được các thỏa thuận ban đầu với đối tác nhập khẩu, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, các biên bản ghi nhớ có giá trị thông qua việc tham gia hội chợ, kết nối B2B quốc tế.
Các tác động đến thương mại Việt Nam nửa cuối năm 2024
Theo ông Trần Thanh Hải, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Trái với dự báo trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra thông điệp chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về vấn đề này. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.
Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 diễn vào sáng ngày 2/7 tại TP Hà Nội. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Trong nước, theo ông Hải, nền kinh tế có những thuận lợi, thách thức đan xen. Cụ thể, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, vấn đề cước vận tải biển tăng rất cao dù thời điểm tháng 5 - 6 chưa được coi là cao điểm, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Mỹ và EU do vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển; một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác như cảng Thượng Hải, đặc biệt là cảng Singapore. Lượng hàng xuất khẩu tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 5, 6 dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Bên cạnh đó, để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định, Bộ triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.
Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ của Bộ Công Thương đã được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công Thương về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025…
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng, 6 tháng cuối năm 2024 cần chú trọng các điểm mới để thúc đẩy thương mại. Trong đó, cần thông tin đến doanh nghiệp, địa phương nội dung quan trọng nhất của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đối với các thị trường trọng tâm. Các hoạt động xúc tiến thương mại phải có kế hoạch cụ thể, không chỉ đối với thị trường nước ngoài mà còn tại các địa phương, đặc biệt là liên kết vùng, liên kết khu vực và liên kết ngành nghề.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ công tác hội nhập quốc tế nói chung, xúc tiến thương mại nói riêng.
“Tôi kỳ vọng năm 2024 thương mại của Việt Nam đạt mục tiêu tăng 6%”, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.