Bộ trưởng Công an: 'Không cá nhân, tổ chức nào theo dõi được căn cước gắn chíp'

căn cước Luật
14:11 - 25/10/2023
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh, cơ quan quản lý sẽ đảm bảo người sử dụng thẻ căn cước không bị theo dõi bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân.

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Căn cước. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng tình sử dụng thẻ căn cước gắn chip để tích hợp thông tin, tạo sự thuận tiện trong quản lý và sử dụng giấy tờ, dữ liệu, nhằm bảo mật an toàn thông tin.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh truy cập, quản lý thông tin và tuyên truyền để sử dụng căn cước đạt hiệu quả.

Về sử dụng mã QR, đại biểu Phúc kiến nghị việc không nên tích hợp QR trên thẻ căn cước. Lý do là hiện những vụ việc lộ lọt thông tin cá nhân diễn ra ngày càng nhiều, trong khi tội phạm công nghệ cao rất tinh vi, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Vũ Trọng Kim - đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cũng băn khoăn về vấn đề có thể xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân.

Giải trình tiếp thu ý kiến lo ngại việc sử dụng thẻ chip và mã QR có bị theo dõi không, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định là không theo dõi và không thể theo dõi. "Bộ Công an hay bất cứ cơ quan nào đều không theo dõi và không thể theo dõi, chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân sử dụng thẻ căn cước", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Công an nhấn mạnh cơ quan quản lý sẽ đảm bảo người sử dụng thẻ căn cước không bị theo dõi bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân.

"Việc thẻ căn cước gắn chip có chức năng theo dõi là thất thiệt, do đối tượng xấu tung lên", theo Bộ trưởng Công an.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Băn khoăn quy định cấp, đổi thẻ căn cước khi đang điều chỉnh đơn vị hành chính

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ băn khoăn với trường hợp cần cấp đổi thẻ căn cước, cần bỏ quy định đối với trường hợp cấp đổi khi cơ quan Nhà nước điều chỉnh đơn vị hành chính.

Theo đại biểu, cả nước đang sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nên số lượng đối tượng thuộc diện trên là rất lớn, nếu áp dụng sẽ phát sinh chi phí không nhỏ, chưa kể chi phí đi lại và chi phí khác của người dân, gia tăng áp lực cho các cơ quan ở địa phương, dẫn đến dễ chậm trễ, gây phiền hà cho người dân.

Báo cáo giải trình cho rằng khi cấp đổi, đổi lại thẻ thuộc các trường hợp này thì người dân được miễn lệ phí, song theo bà Thủy, phí này công dân không bỏ ra thì Nhà nước phải chi, tính sơ qua, chi phí bỏ ra rất lớn.

Nữ đại biểu lấy ví dụ, với một xã trung bình 5.000 dân thì lệ phí đổi thẻ khoảng 250 triệu đồng, còn cấp huyện quy mô vừa phải 100.000 dân thì chi phí 5 tỷ đồng, thậm chí như Thành phố Đông Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá dự kiến được thành lập với số dân hàng trăm nghìn người thì chi phí bỏ ra là rất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ông Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP HCM nhấn mạnh, việc cấp đổi căn cước khi thay đổi đơn vị hành chính cũng rất cần thiết để không gây nên sự rắc rối cho chính người dân khi làm các thủ tục hành chính sau này.

"Chỉ một chi tiết nơi sinh trong hộ chiếu ở Luật Xuất cảnh, nhập cảnh còn phải sửa, thay đổi cả đơn vị hành chính mà không sửa nơi sinh sẽ rắc rối cho chính người dân", ông Đức nói quy định như dự thảo là tính toán quyền lợi tốt nhất cho người dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ông Nguyễn Minh Đức

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ông Nguyễn Minh Đức

Vẫn còn băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy tranh luận, quy định trên thẻ căn cước có thông tin "nơi cư trú" mà chưa rõ là thường trú hay tạm trú, trong khi "nơi cư trú là yếu tố động". Khi thay đổi nơi cư trú không phải thực hiện cấp đổi thẻ thì tại sao khi thay đổi nơi cư trú do thay đổi tên đơn vị hành chính lại cấp đổi đồng bộ như thế.

Đại biểu cho rằng điều này có thể giải quyết được, bởi theo Điều 26 của Luật Cư trú, khi có thay đổi địa chỉ nơi cư trú vì điều chỉnh đơn vị hành chính, tên đường phố, tổ dân phố, thôn, xóm thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh các thông tin này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin này hoàn toàn có thể truy cập qua mã QR trên thẻ và định danh điện tử trên VNEID rất cập nhật, dễ dàng, tránh việc có thời điểm thông tin in trên thẻ và trên cơ sở dữ liệu là vênh nhau.

"Tuy nhiên, giải pháp đơn giản nhất là bỏ thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước", đại biểu Thuỷ nêu quan điểm.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.